Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Đọc một bài thơ

Đọc một bài thơ

Tôi có một thằng em. Tôi không nói tên nó đâu nhưng nó làm thầy giáo mà lại khổ, khổ thật hay khổ vờ không chắc, nhưng cứ tạm gọi nó là giáo khổ. Giáo khổ thỉnh thoảng hỏi những câu làm tôi đớ người ra. Nhiều hôm đang bận bỏ mẹ nó nhắn tin, anh ơi câu này, đoạn này hiểu thế nào, dịch thế nào. Tôi nhòm vào thấy một đoạn tiếng Anh rất hard core, nó không hiểu được thì tôi cũng chả hiểu, hoặc muốn hiểu phải bỏ thời gian nghiên cứu, tâm tư, mà tất nhiên ấy là việc bọn tư bản không thích.
Nhưng hôm nay, giữa lúc tôi đang xì chét, nó nhắn cho tôi một khổ thơ, anh ơi đoạn này hiểu thế nào. Đoạn ấy như sau:
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason
Cậu ấy đang bí chỗ I was ripe for treason – tôi đang chín muồi cho sự phản bội, thế là thế nào. Cố nhiên tôi cũng chả hiểu gì. Nhưng tò mò, tôi bảo gửi tôi nguyên bài xem:
Trust me spring is very near
All the buds are swelling
All the glory of the year
In those buds is dwelling
What the open buds reveal
Tells us—life is flowing;
What the buds, still shut, conceal,
We shall end in knowing.
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason.
Now no more I doubt or wait
All my fears are vanished,
Summer’s coming dear, though late,
Fogs and frosts are banished.
Đó là một bài thơ của James Clerk Maxwell, một nhà vật lý hay toán học gì đấy.
Tôi đọc bài thơ năm, bảy lần, rồi nhắn cho cậu giáo khổ:
Anh hiểu đây như là một bài thơ ca ngợi bí mật của sự sống. Key words nằm ở đoạn 2, những chồi non bung ra thì cho ta biết cuộc sống đang sinh sôi, nhưng những chồi chưa bung che giấu những gì thì phải đến tận cùng ta mới biết. “End in knowing” có thể là tận cùng mới biết, mà cũng có thể biết là hết, là không còn bí mật nữa. Do vậy sang đoạn ba mới có đoạn lưu luyến với chồi non, ngờ vực thay đổi của mùa, của thời gian. “Ripe for treason” chắc hẳn là mong muốn chống lại quy luật của thời gian, vì nếu thời gian cứ trôi đi thì chồi sẽ bung ra, không còn bí mật gì nữa. Ở đoạn kết, mùa hè tới, thì không còn gì nữa rồi, bung bét cả. Kết luận: Đời chỉ đẹp khi còn bí mật, cũng như tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Tất nhiên đấy là cách hiểu của tôi. Mỗi tác phẩm lớn đều mở đường cho nhiều cách hiểu khác nhau.
Hiểu được bài thơ, tôi cảm thấy khoan khoái chi lạ, nên đã toan dịch. Cậu giáo khổ đẩy đưa, anh dịch đi, em trợ hứng anh bằng chai vang. Tôi gõ luôn. Bản dịch đầu tiên như sau:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao vinh quang năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Giấu điều chi biết đâu nào.
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Có chuyển mùa hay là không
Giá băng khiến anh dễ chịu
Chẳng đành bỏ lại mùa đông
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Tạm xong, nhưng chưa hài lòng, bởi hai câu cuối khổ ba, thoát ý quá và trở thành diễn dịch của tôi rõ quá. Ăn trưa xong, tôi sửa lại. Có tí cơm trong bụng nó khác:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao huy hoàng năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Tận cùng mới tỏ ra sao
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Nghi ngại chuyển mùa hay không
Giá băng khiến anh êm ái
Đã nuôi bội phản trong lòng
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Lần này, thì tôi hài lòng vì hai câu cuối khổ ba bám sát được nguyên tác hơn, mà vẫn giữ nguyên sự khó hiểu của nó.
Chẳng có bản dịch nào hoàn hảo, huống hồ một bản dịch chơi. Nhưng trò chơi hôm nay khiến tôi cực kỳ khoan khoái. Nên chia sẻ.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Chạy marathon ở Côn Đảo

Trước giải Tiền Phong năm nay, Côn Đảo là nơi mình đã đến hai lần và đã say đắm với biển, rừng nơi đây. Mình mê con đường ven biển của Côn Đảo cũng như mê đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang nên tâm niệm rằng khi nào có một giải marathon ở Côn Đảo thì mình nhất định phải tham gia. Do vậy, khi Tiền Phong công bố giải năm nay tổ chức ở Côn Đảo thì mình đã mau chóng đặt vé máy bay và khách sạn trước cả khi mua BIB, cho dù trước giải 2 tuần thì mình có chuyến đi Sơn Đoòng cũng không thể bỏ lỡ. Với tình hình Covid tràn lan như hiện tại thì mình sẵn sàng tâm trạng dính bất cứ lúc nào, nhưng cũng khấn thầm em Vy né mình chuyến đi Sơn Đoòng và Côn Đảo. Rốt cuộc thì chắc do quên khấn chị Sáu nên mình bị em Vy ghé thăm trong lúc đi Sơn Đoòng và chỉ kịp âm tính một tuần trước khi chạy marathon ở Côn Đảo. Trong tuần cuối trước giải, lẽ ra phải taper (giảm khối lượng chạy) thì mình phải chạy như bình thường mỗi ngày 10km để lấy lại cảm giác, phục hồi tim, phổi. Dẫu vậy, hậu Covid tuy mình cảm thấy khỏe nhưng khi chạy tim vẫn cao hơn trước đó tầm 15 nhịp.

Buổi chiều trước khi chạy giải, mình lấy xe máy đánh một vòng khảo sát đường chạy xem thử thế nào. Sau khoảng 7-8 km vòng vèo trong thị trấn, thì cung đường marathon bắt đầu chạy dọc theo biển ra hướng Bến Đầm, chạy ven biển, rồi theo cung đường mới mở ôm qua rừng quốc gia. 30km đầu, cung đường chạy tuyệt đẹp, có lên dốc nhưng cũng có xuống dốc. Mình chắc mẩm có thể tăng tốc khi xuống dốc để bù giảm tốc lúc lên dốc. Ngồi trên xe máy, mình thấy dốc chỉ thoai thoải, nghĩ sẽ không phải là vấn đề lớn vì mình đã thường xuyên chạy cầu Sài Gòn và Thời Đại rồi. Tất nhiên đó sẽ là một sai lầm, bởi khi đã chạy hai mấy cây số trên xe hai cẳng khi trời nắng lên, sẽ rất khác khi chạy xe hai bánh khi chiều xuống và nắng đã tắt. 12km cuối của cung đường marathon sẽ chạy trong thị trấn, không còn dốc nên mình nghĩ sẽ ổn, nhưng đó sẽ là một nhận định sai lầm khác.

Sáng chủ nhật, ngày chạy, cảm nhận nhiệt độ tại vạch xuất phát khá cao, có lẽ do trời đứng gió. Tuy nhiên, khi bắt đầu chạy, và suốt khoảng 2 tiếng rưỡi đầu, do có mây nên mình nghĩ cũng được đấy, thời tiết không tệ như Lý Sơn cách đây 2 năm. Từ km số 8 đến km27, mình đã xơi các con dốc khá nhẹ nhàng, hầu như không giảm tốc mấy, trong khi đó lợi dụng một quãng xổ dốc dài, mình đã bung lụa vượt khá nhiều "đồng rân". Km 28-29, một con dốc dài hiện ra như không bao giờ dứt, hầu hết vận động viên phong trào chuyển sang đi bộ. Đây là con dốc mà chiều hôm trước ngồi xe hai bánh mình thấy chỉ thoai thoải! Dẫu vậy, mình vẫn có thể không phải đi bộ hoàn toàn, mà chạy và đi bộ xen kẽ, và sau đó ở km 30 xuống dốc cực gắt, thì mình đã phóng như bay. Tuy nhiên, câu chuyện đẹp kết thúc tại đây, bởi ở km 32 huyền thoại, tuy không còn dốc lên hay xuống, mình cũng không bị chuột rút như nhiều bạn khác, nhưng tự dưng mình thấy hết sức.

Nếu đã đến Côn Đảo, bạn sẽ thấy đó là một thị trấn xinh đẹp với những con đường với những hàng cây đẹp. Nhưng không hiểu sao, ban tổ chức cho chạy những km cuối trên những con đường mới mở tuyệt nhiên không bóng cây. Khi chạy quãng cây số 37-38 trên con đường ôm hồ nước Quang Trung rồi dọc theo hồ sen An Hải, mình có cảm giác như đó là con đường xuống địa ngục, bởi mặt trời thì chói chang trên đầu, mà đường chạy thì cứ như không bao giờ hết. Rốt cuộc, thì dẫu xuống sức nhiều vì những con dốc trước đó và vì nắng gắt, mình vẫn kịp chỉnh đốn trang phục để về đích trong 4 giờ 15 phút. Tuy không lập kỷ lục cá nhân, nhưng đây vẫn là thành tích marathon tốt thứ hai của mình. Với cung đường dốc, nắng như thế, đây là thành tích không quá tệ, nhất là khi mình có quá nhiều ảnh đẹp, không thể đòi hỏi gì hơn.

Anh Đoàn Ngọc Hải có viết một bài phê ban tổ chức giải rất căng, trong đó có ý chỉ trích ban tổ chức chọn con đường dốc quá, và giờ xuất phát quá trễ, có thể gây nguy hiểm cho vận động viên vì sốc nắng. Mình thì thấy đường dốc là một phần của cuộc chơi. Nếu chọn những con đường phẳng hơn, thì sẽ không thể chạy trên con đường tuyệt đẹp ven biển và xuyên rừng quốc gia. Tất nhiên, nếu có thể xuất phát sớm hơn thì tốt, nhưng không rõ hệ thống đèn đường Côn Đảo có đáp ứng được không. Xuất phát lúc 4:30 mà có những đoạn bọn mình đã phải chạy trong bóng tối hoàn toàn.

Về công tác tổ chức, mình thấy có khá nhiều vấn đề: thứ nhất, là nước uống rất nhiều nhưng được sử dụng rất lãng phí; thay vì có cốc nước cho vận động viên sử dụng, thì cứ đưa nguyên chai, vận động viên chỉ hớp một chút rồi phải quăng đi, không thể mang theo người được; thứ hai, rất thiếu toa lét tại điểm xuất phát cũng như toa lét di động dọc đường; thứ ba, thiếu hỗ trợ về y tế, những người chạy trên 5 giờ đều than là không còn xịt lạnh, cá nhân mình thấy trên quãng đường rực nắng dọc hồ Quang Trung, có nhiều vận động viên bị chuột rút lăn ra đường nhưng không có y tế, một anh bạn mình chạy marathon lần đầu, về đích gần như ngất cũng không ai hỗ trợ; thứ tư, dù bất cứ lý do gì, mà nợ huy chương finisher với vận động viên là rất chán; thứ năm, khu vực đích đến không có lều cho vận động viên nghỉ ngơi, toàn phải ngồi dưới đất và phơi nắng, mình về đích hỏi nước điện giải thì không còn. Điểm sáng, có lẽ là các nhiếp ảnh gia không ngại phơi nắng để chụp hình cho các vận động viên những tấm ảnh đẹp, ảnh được đưa lên mạng rất nhanh, và sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên ở các điểm tiếp nước.

Dù sao đi nữa, một năm tan hoang vì Covid không có giải chạy nào, giờ được chạy trở lại, được hòa mình vào không khí tưng bừng trước giờ xuất phát, được họp mặt xôm tụ với bạn chạy, được thưởng thức những cốc bia lạnh sau khi hành xác, được ngắm ảnh đẹp khi về nhà, giải chạy Côn Đảo vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời.
 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Đi họp phụ huynh

Sáng thứ bảy bị vợ đùn đi họp phụ huynh cho con gái. Vẫn hoàn thành cữ chạy buổi sáng, nhưng thay vì ung dung ăn sáng uống cà phê thì chàng vắt chân lên cổ để đến trường cho kịp giờ. Trường mới của con nội quy khó khăn lắm, con đi học trễ hai phút cũng bị trừ điểm hạnh kiểm, ấy là còn đi xe đưa rước. Sợ đi họp phụ huynh mà trễ bị trừ điểm hạnh kiểm thì nguy. Vì vậy 8 giờ họp 7:59 chàng đã đua tới cổng trường. Vào đến lớp thì tròn 8 giờ, chàng hồ hởi nhủ thầm: giờ có trừ điểm hạnh kiểm tôi bằng mắt! Nhưng hóa ra, cô giáo vẫn chờ các phụ huynh khác, đến 8:15 mới chính thức bắt đầu.

Yên vị rồi, chàng bắt đầu thấy khát. Do 12 km bào cầu Sài Gòn buổi sáng đây. Thường, khi chạy hằng ngày chàng không uống nước, chỉ bù nước sau khi chạy. Sáng nay vội quá, không uống đủ nước rồi. Nhìn quanh, nhìn quất, chẳng có chai nước nào trên bàn. Liếc ra góc phòng, thấy có bình nước chắc dành cho học sinh, nhưng chẳng có cái ly nào cả, chàng đành nuốt nước bọt nhìn cô giáo phổ biến nội quy. Cái này thì chàng biết rồi: không được nghỉ học vào trước hay sau lễ (đã có kinh nghiệm cay đắng khi xin cho con nghỉ học ngày 31/12), không được nhuộm tóc (nhỡ tóc vàng sẵn thì phải báo cáo từ trước), không được xăm (chúng nó xăm vào mông thì kiểm tra kiểu gì), không được mang ba lô (chỉ được mang cặp táp có quai giống ba lô), không được để chai nước trên bàn (con gái báo cáo: con toàn để nước dưới chân bàn, mà công nhận đi rất dễ đá phải)....

Xong phần phổ biến nội quy, cô giáo báo cáo kết quả học tập. Lớp có 31 em, 30 em đạt học sinh giỏi, 1 em loại khá. Chàng lẩm bẩm: chúng mày ăn gì mà giỏi thế, thời của bố mày, trầy vi tróc vẩy mới được trung bình trên tám phẩy nhé, cả khối 12 chỉ mình bố mày được thôi. Đang hồi tưởng quá khứ huy hoàng đồng thời hoài nghi thực chất dạy và học của các cô và các cháu, chàng chợt thấy một vị phụ huynh bàn đầu phát biểu dõng dạc: các cháu học thế là tốt, nhưng sang học kỳ 2 các cháu phải phấn đấu 100% học sinh giỏi. Các phụ huynh khác gật gù tán đồng. Chàng len lét cúi đầu, vẫn nhớ ra mình đang khát.

Xong phần báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, sang phần của đại diện hội cha mẹ học sinh. May thay, phần này nhanh, gọn, nhẹ, bởi nội dung chỉ thông báo các khoản tiền cần đóng. Hội nghị nhanh chóng đồng thuận. Ai sao mình vậy, chàng không thắc mắc gì.

Tối hôm trước con gái đã dặn: ba đừng làm cho con bị chú ý đấy nhé. Thế nên, chàng nín thinh suốt buổi, không phát biểu câu nào. Kết thúc buổi họp, ra về, cả hạnh kiểm và đức hạnh của chàng vẫn còn nguyên vẹn.

 


Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Bánh mì kẹp và Ocean Vương

Như một số người có thể đã biết, và một số người khác có thể chưa biết, tôi thích ăn bánh mì kẹp. Tôi thích ăn bánh mì kẹp tất nhiên vì cái tổng thể của vỏ bánh giòn, pa tê đậm vị, ngò thơm, đồ chua tất nhiên chua và thịt nguội tất nhiên nguội, nhưng hơn hết tôi thích bánh mì kẹp vì những miếng ớt nhỏ nằm lẩn quất đâu đó. Ai đó sẽ bảo thích ăn ớt thì cứ việc ăn, việc gì cứ phải bánh mì kẹp mới có ớt. Không, vấn đề không phải là vị cay của ớt, mà vấn đề là sự bất ngờ. Mấy miếng ớt xắt, cố thủ đâu đó giữa dưa leo và chả lụa, hoặc giữa mấy sợi cà rốt chua xà nẹo nhau, hoặc tinh tế mắc vào mép trái cọng ngò, ở những vị trí ngẫu nhiên và không thể dự đoán. Ờ, cố nhiên là ta biết ở trỏng có ớt, ta chỉ không biết nó ở đâu. Để rồi, khi ta cắn phập ổ bánh mì một phát, phát đầu có thể chưa thấy gì, nhưng phát thứ hai, hay phát thứ ba, một vị cay thình lình làm ta xé lưỡi, xộc lên óc, rồi vừa nhai vừa hít hà. Sướng là ở đó.

Nói về sướng, trong buổi nói chuyện của Ocean Vương, Ocean có nói ý như thế này khi một bạn hỏi về chuyện hiểu một bài thơ. Khi bạn đọc một bài thơ mà bạn thấy sướng, nghĩa là bạn đã hiểu bài thơ rồi. Chẳng phải bạn đến với thơ ca hay nghệ thuật nói chung là để sướng sao. Bạn không cần phải phân tích được cái sướng, ai đem phân chất một mùi hương (ref: Xuân Diệu)?

Ocean Vương còn nói thế này về việc đọc và viết, khi có một thính giả hỏi bạn ấy viết như thế nào, làm thế nào để biết mình bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu, là bạn ấy tránh những mẫu hình có sẵn, có mở đầu, phát triển, cao trào, kết thúc, và tìm cách kể một câu chuyện theo cách riêng của mình, có "dấu vân tay" của mình. Quan trọng không phải kể cái gì mà kể như thế nào. Khi đọc cũng thế, một tác phẩm giữ chân được người đọc là một tác phẩm có thể mang đến sự bất ngờ. Cả đọc cả viết đều cần tránh những công thức.

Về sự bất ngờ, ngày xưa Bàn Tải Cân đã viết trong câu thơ trác tuyệt: "Thơ hay ở chỗ bất ngờ". Dĩ nhiên, Bàn Tải Cân sẽ không phải là Bàn Tải Cân nếu câu bát không bất ngờ thế này: "Người hay ở chỗ đêm mơ xuất tình."

Tới đây dừng bất thình lình.

 

Một năm chạy bộ

Một năm chạy bộ Người ta nói nhiều, rất nhiều về những điều tuyệt vời của chạy bộ. Người ta lại hiếm khi nói chạy bộ có thể tệ hại như thế n...