Cách đây ba tháng, ông thiền sư bạn tôi rủ rê mọi người đi Ladakh, tôi còn chưa biết nơi này nằm ở đâu trên bản đồ. Thông tin sau đó ông ta cung cấp, đây sẽ là một chuyến trekking và leo núi trên dãy Himalaya, phần thuộc Ấn Độ. Nghe hay hay, tôi bảo bạn cùng nhà, ui, đi chuyến này đã có ông thiền sư tổ chức, mình chỉ cần nhắm mắt đưa chân. Thế là chúng tôi hủy kế hoạch đi Lào, đu theo ông thiền sư.
Công nhận ông thiền sư rất mát tay: tất cả những người ông rủ rê ban đầu đều tham gia, rồi người này rủ thêm người kia, rốt cuộc chốt đoàn đến tận 16 thành viên. Tất cả đều từng có kinh nghiệm du lịch bụi, trekking hoặc leo núi, chịu ngủ bờ, ngủ bụi, ở dơ và hành xác. Nếu không có những điểm chung đó, khó để 16 con người hầu hết chỉ biết nhau chút chút trước đó, hình thành một đoàn “chịu đựng” nhau trong 10 ngày.
Ba tháng chuẩn bị trôi qua rất nhanh, hầu như không ngày nào không có tin nhắn của nhóm chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị thể lực, mua sắm đồ đạc (khá nhiều, bởi lẽ điểm đến khá lạnh, nếu lên đỉnh núi có thể âm 15 độ), xin visa, mua bảo hiểm, thuốc men v.v. Duy nhất một thứ biết trước mà không chuẩn bị được, trừ việc mua thuốc, đó là đương đầu với AMS.
AMS là viết tắt của acute mountain sickness, nôm na là say độ cao. Biểu hiện của chứng này đa dạng, từ nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, đến trường hợp nặng có thể gây xuất huyết não. AMS có thể xuất hiện ở độ cao trên 2500 mét, phổ biến hơn ở độ cao trên 3500 mét, 20% dân số thế giới có thể mắc chứng này. AMS phổ biến ở nam hơn nữ. Điều kỳ quái của AMS là không thể rèn luyện thể lực để đối phó với AMS, vận động viên chuyên nghiệp vẫn có thể bị AMS, trong khi “bánh bèo” có thể lại miễn nhiễm với chứng này. Nói kỹ về AMS, vì rồi tôi sẽ là nạn nhân của nó, và vì vậy không thể summit (lên đỉnh).
Ngày khởi hành đến, sau năm tiếng bay từ Sài Gòn đến Delhi, chúng tôi vạ vật sân bay Delhi tầm sáu tiếng trước khi nối chuyến đến Leh. Thời gian bay tới Leh chỉ hơn một tiếng, nhưng chúng tôi phải ngồi trên máy bay mất gần một tiếng nữa vì sân bay Leh rất nhỏ, phải đợi có chiếc cất cánh máy bay chúng tôi mới vào được sân đỗ.
Có lẽ tôi và các bạn đồng hành chưa bao giờ chăm chú theo dõi độ cao từng điểm đến như trong chuyến đi này. Khi cơ trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi thấy một điều thú vị là độ cao đo được theo đồng hồ Garrmin của mình từ 2900 mét tăng dần lên 3500 mét khi đáp. 3500 mét chính là độ cao của Leh, thành phố thủ phủ Ladakh. Từ Leh, chúng tôi sẽ lên điểm cắm trại đầu tiên gần hồ Tso Moriri, làng Karzok, độ cao 4.500 mét. Sau đó, sẽ trek lên điểm hạ trại thứ hai ở chân núi Mentok Kangri, độ cao 5.200 mét. Cuối cùng, đỉnh Mentok Kangri, đích đến cuối cùng của đoàn, có độ cao 6.250 mét. Đoàn sẽ có bảy ngày làm quen độ cao trước khi chinh phục đỉnh Mentok Kangri, tuy nhiên, rồi sẽ chỉ 5/16 thành viên trong đoàn chinh phục thành công đỉnh núi này.
Ngay buổi chiều đầu tiên đến Leh, sau bữa trưa no đẫy tại một nhà hàng Tibet mà tôi đã rất tự tin gọi một món đặc Ấn, chicken masala ăn cùng bánh naan, thì tôi thấy trong người lạ dần. Sau khi ghé thăm một tu viện nhỏ, quay về khách sạn, ngang căn bếp nồng mùi cà ri, thì tôi không kìm được nữa, lao vội vào phòng tắm nôn thốc nôn tháo. Cả đêm đầu tiên đó, tôi cho chó ăn chè tới sáu bảy bận, mặc dù những lần sau không còn chè nữa, chỉ nước suông, nhưng vẫn cho ra. Tới sáng hôm sau, tuy vẫn e ngại tác dụng phụ của thuốc chống AMS, tôi đành phải nuốt luôn hai viên. Cảm thấy khá hơn chút, nhưng trong lúc cả đoàn đi trekking nhẹ và chơi dù lượn, thì tôi nằm bẹp. Tôi nghĩ thầm trong bụng, kiểu này chắc phải ở lại Leh tĩnh dưỡng suốt 5 ngày tới, trong lúc chờ đoàn leo núi rồi quay về. May thay, sáng ngày thứ ba, nhờ thuốc mà tôi khá hơn nhiều, cùng đoàn tiếp tục hành trình.
Đường từ Leh đến làng Karzok, điểm hạ trại đầu tiên, khoảng 220km. Hai phần ba đầu, đường tuy hẹp, mỗi bên chỉ một làn xe, nhưng mặt đường còn được trải nhựa tương đối tốt. Càng đi, càng vắng bóng dân cư, vắng bóng cả cây, chỉ lác đác doanh trại quân đội dọc theo những triền núi đá. Con đường ngoằn nghèo chạy trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, một bên là núi đá với kết cấu không bền vững, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, một bên là dòng suối hối hả, chảy xiết. Con đường thách thức thần kinh tài xế và du khách này là một phiên bản hard core gấp đôi, gấp ba chặng đường Mèo Vạc - Hà Giang qua đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Trên đường, có nhiều bảng tuyên truyền giao thông khá duyên dáng, tôi chép lại cho quan chức đường bộ nước ta tham khảo:
Speed thrills but kills (Tốc độ thì hấp dẫn, nhưng chết cũng nhanh lắm)
Fast drive could be last mile (Lái nhanh cho cố, tới số)
Donate blood but not on road (Hiến máu đáng tuyên dương,
nhưng đừng hiến trên đường)
Feel the curves, don’t hug them ( Cảm nhận đường cong, chớ
có ôm chầm)
Drive don’t fly (Chạy, đừng bay)
On the bend go slow friend ( Vô cua chậm nha bồ)
Drive on horsepower not on rum power (Lái xe nhờ mã lực,
chớ không phải tửu lực)
If you sleep your family will weep (Nếu bạn buồn ngủ gia
đình bạn lãnh đủ)
Road is hilly don’t drive silly ( Đường đèo dốc đừng lái
như thằng ngốc)
You booze you cruise you lose (Nhậu rồi phóng là chán sống)
Accident brings tears safety brings cheers (An toàn cả nhà
vui, tai nan lệ tuôn rơi)
Over speed is a knife that cuts life (Lái quá tốc độ là dao
cắt cổ)
Fast won’t last (Nhanh thì không bền)
Better late than never (Thà muộn còn hơn không bao giờ)
Alert today alive tomorrow (Hôm nay cẩn trọng để ngày mai
còn sống)
Một phần ba sau, đường không còn là đường, nhiều lúc có cảm giác tài xế chỉ nhắm hướng mà chạy. Hình như lâu rồi tài xế mới chạy lại con đường này, nên anh đã lạc đường đến ba, bốn lần. Mỗi lần anh phát hiện ra mình lạc đường, de xe, quay đầu, nhất là khi trời đã tối, là tim tôi lại nhộn nhạo. Mặt đường lồi lõm như bề mặt mặt trăng, lỡ sa xuống hố thì không biết qua đêm ở đâu, nhất là khi càng lúc trời càng lạnh.
Hơn 8 giờ tối, chúng tôi cũng tới được bãi trại. Lều đã được dựng rồi, nhưng mệt nhoài và lạnh, nên dẫu đói, chúng tôi cũng chỉ nuốt qua loa bữa tối muộn rồi lăn ra ngủ trong tiếng gió ầm ào. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe thấy tiếng lục lạc lanh canh khi xa khi gần, đôi lúc lại nghe như có tiếng chuông chùa ngân rung trong sương đêm.
Sáng hôm sau, nắng lên từ rất sớm, chui ra khỏi lều, chúng tôi mới bắt đầu chiêm ngưỡng phong cảnh chung quanh. A ha, chúng tôi đang trên dãy Himalaya, những túp lều vàng của nhóm chúng tôi nằm rải rác trên một bãi cỏ xanh, bên dòng suối thì thào tuôn chảy. Dọc theo suối, lác đác những cụm hoa vàng li ti. Bên kia suối, vài chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ - tác giả những tiếng lục lạc trong đêm đây rồi. Vây quanh chúng tôi là núi đá. Thì ra, đây là một thung lũng, hèn nào đêm gió lùa rất ghê. Ngày hôm đó, vẫn uống thuốc chống AMS, phục hồi phần nào công lực, tôi bám theo đoàn trek nhẹ nhàng về hồ Tso Moriri, hồ nước mặn trên cao lớn nhất Ấn Độ. Trong vài ngày sau đó, chúng tôi còn có nhiều dịp ngắm hồ từ các độ cao khác nhau.
Ngày kế tiếp, chúng tôi nhổ trại và bắt đầu leo lên base camp nằm ở độ cao 5.200 mét. Quãng đường từ trại thứ nhất tới trại thứ hai chỉ hơn 7 cây số và độ dốc tăng thêm 700 mét, nhưng ngốn mất của tôi tám tiếng đồng hồ. Các bạn đi khỏe hơn trong đoàn mất sáu tiếng, nhưng cũng có vài bạn khác mất tới 11 tiếng. Riêng trong buổi chiều, đồng hồ tôi đo được quãng đường di chuyển là 2.5km, độ dốc 330 mét, thế mà tôi đi mất 4 tiếng 50 phút. Thường, khi chạy ở núi Dinh chẳng hạn, thì với quãng đường và độ dốc tương đương, tôi chạy khoảng 25-30 phút. Gần như trên chặng trek này, cứ bước chừng chục bước là tôi đứng thở một, hai phút. Lên tới base camp, tôi không còn chút sức lực nào. Bạn cùng nhà, đã lên tới base camp trước tôi hai tiếng, hỏi tôi mấy câu, mất nửa tiếng sau tôi mới đủ hơi để trả lời. Tôi biết mình nên dừng chân ở đây. Cơ thể tôi tuy có nhồi thuốc nhưng vẫn không thích nghi kịp với độ cao. Ở độ cao trên 5.200 mét này, sức lực tôi chỉ còn tầm 1/10 bình thường, chỉ cần loay hoay đóng cửa lều, hay ngồi xuống đứng lên (vâng, là nói tới khâu đó) đã thở hồng hộc, đi từ lều mình tới lều ăn phải dừng lại thở hai, ba lần, nên chuyện chinh phục đỉnh Mentok Kangri 6.250 mét là chuyện quá xa vời. Vả chăng, nhìn lại, tôi thấy mình đã không chuẩn bị nghiêm túc cho việc leo núi, thật ra thì tôi chẳng biết gì về leo núi cả, trong đầu tôi chỉ nghĩ đây là một chuyến trekking.
10/16 thành viên trong đoàn rồi sẽ băng vào màn đêm giá
buốt với nỗ lực summit. Một nửa trong số đó phải quay về sau 1/3 hay 1/2 quãng
đường vì những lý do khác nhau. Chỉ 5 thành viên summit thành công. Đó là một
nỗ lực phi thường.
Buổi sáng ngày summit, khi các bạn mình đang loay hoay đâu đó trên đường chinh phục Mentok Kangri, tôi dậy sớm, lấy một tách trà nóng ôm trong tay rồi ngồi trên một tảng đá thừ người ngắm hồ Tso Moriri. Hôm ấy trời nhiều mây hơn mấy hôm trước, mãi mà mặt trời chỉ có thể yếu ớt rọi vài tia sáng qua những áng mây dày. Bên kia hồ, những dãy núi đá, trên đỉnh phủ tuyết trắng xóa, có độ lồi lõm khác nhau, tạo thành những mảng khối màu đậm nhạt đan xen, trông như những nhát cọ của một họa sĩ thiên tài. Phía trái dãy núi lại chạy đổ dài xuống mép hồ, mở ra một khoảng rộng trông từ xa không khác gì một bãi biển. Mặt hồ Tso Moriri tuyệt đối tĩnh lặng. Từ độ cao này, nhìn mặt hồ không chút gợn sóng, rõ ràng là một tấm gương khổng lồ in hình rặng núi tuyết phía sau. Vẻ huy hoàng tráng lệ của dãy núi, sự tĩnh lặng tuyệt đối của gương hồ, cái đẹp của thiên nhiên vĩ đại làm choáng ngợp tôi, chiếm hữu tôi, làm tôi như nghẹt thở. Bất giác, tôi thấy mình ứa nước mắt.
Chuyến đi rồi sẽ kết thúc. Chúng tôi rồi sẽ trở về với thế giới có nước nóng để tắm, có toa lét đàng hoàng, có kết nối Internet. Qua chuyến đi này, dù có lên đỉnh thành công hay không, tôi tin mỗi người trong chúng tôi sẽ tìm thấy những ý nghĩa khác nhau. Với tôi, những giờ phút ngắm hồ, ngắm núi, hít thở không khí tuyệt đối trong trẻo trên dãy Himalaya đã là một trong những giờ phút lãng mạn nhất của đời mình.
(Vài dòng gõ trên điện thoại trong lúc vật vờ tại sân bay Delhi.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét