Như một số người có thể đã biết, và một số người khác có thể chưa biết, tôi thích ăn bánh mì kẹp. Tôi thích ăn bánh mì kẹp tất nhiên vì cái tổng thể của vỏ bánh giòn, pa tê đậm vị, ngò thơm, đồ chua tất nhiên chua và thịt nguội tất nhiên nguội, nhưng hơn hết tôi thích bánh mì kẹp vì những miếng ớt nhỏ nằm lẩn quất đâu đó. Ai đó sẽ bảo thích ăn ớt thì cứ việc ăn, việc gì cứ phải bánh mì kẹp mới có ớt. Không, vấn đề không phải là vị cay của ớt, mà vấn đề là sự bất ngờ. Mấy miếng ớt xắt, cố thủ đâu đó giữa dưa leo và chả lụa, hoặc giữa mấy sợi cà rốt chua xà nẹo nhau, hoặc tinh tế mắc vào mép trái cọng ngò, ở những vị trí ngẫu nhiên và không thể dự đoán. Ờ, cố nhiên là ta biết ở trỏng có ớt, ta chỉ không biết nó ở đâu. Để rồi, khi ta cắn phập ổ bánh mì một phát, phát đầu có thể chưa thấy gì, nhưng phát thứ hai, hay phát thứ ba, một vị cay thình lình làm ta xé lưỡi, xộc lên óc, rồi vừa nhai vừa hít hà. Sướng là ở đó.
Nói về sướng, trong buổi nói chuyện của Ocean Vương, Ocean có nói ý như thế này khi một bạn hỏi về chuyện hiểu một bài thơ. Khi bạn đọc một bài thơ mà bạn thấy sướng, nghĩa là bạn đã hiểu bài thơ rồi. Chẳng phải bạn đến với thơ ca hay nghệ thuật nói chung là để sướng sao. Bạn không cần phải phân tích được cái sướng, ai đem phân chất một mùi hương (ref: Xuân Diệu)?
Ocean Vương còn nói thế này về việc đọc và viết, khi có một thính giả hỏi bạn ấy viết như thế nào, làm thế nào để biết mình bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu, là bạn ấy tránh những mẫu hình có sẵn, có mở đầu, phát triển, cao trào, kết thúc, và tìm cách kể một câu chuyện theo cách riêng của mình, có "dấu vân tay" của mình. Quan trọng không phải kể cái gì mà kể như thế nào. Khi đọc cũng thế, một tác phẩm giữ chân được người đọc là một tác phẩm có thể mang đến sự bất ngờ. Cả đọc cả viết đều cần tránh những công thức.
Về sự bất ngờ, ngày xưa Bàn Tải Cân đã viết trong câu thơ trác tuyệt: "Thơ hay ở chỗ bất ngờ". Dĩ nhiên, Bàn Tải Cân sẽ không phải là Bàn Tải Cân nếu câu bát không bất ngờ thế này: "Người hay ở chỗ đêm mơ xuất tình."
Tới đây dừng bất thình lình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét