Hôm nay đằng nào cũng không tập trung làm việc được mấy, ghi lại mấy dòng về marathon Lý Sơn đặng lưu truyền hậu thế.
Cuộc đua diễn
ra vào chủ nhật vừa rồi, 5/7/2020. Dĩ nhiên như mọi cuộc chạy marathon, số người tranh
huy chương chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại chỉ đặt mục tiêu đi chơi, và nếu
có thể, thì trong lúc đi chơi ấy, làm luôn cái việc mà dân không chạy gọi là
chiến thắng bản thân, còn dân chạy gọi là lập PR (personal records – kỷ lục của
bản thân). Giải Tiền Phong Marathon tổ chức ở Lý Sơn khác với các cuộc đua khác
mọc ra như nấm trong mấy năm qua, ở chỗ nó là đồng thời là giải vô địch quốc
gia. Đây cũng là giải chạy đường dài lâu đời nhất Việt Nam. Năm nay tổ chức lần
61.
Giải vô địch
quốc gia nên có sự tham gia của các chân chạy cự phách nhất nước. Các chân chạy
này đương nhiên không quan tâm đến sự có mặt của chúng tôi, và ngược lại. Chúng
tôi chỉ quan tâm đến cảnh có đẹp không, đồ ăn có ngon không, chạy có vui không.
Các bố lăn lê bò toài tranh huy chương thì cứ việc.
Chúng tôi là
ai?
Thứ ba tuần
trước, tôi còn chưa quyết định có đi Lý Sơn hay không. Điều này không giống tôi
cho lắm. Thông thường, tôi sẽ mua vé tham dự giải, thuật ngữ gọi BIB, ít nhất
4-6 tháng trước giải, lên kế hoạch tập luyện, mua vé máy bay và đặt chỗ ở trước
ít nhất hai tuần. Với giải Lý Sơn, tôi bốc đồng lên mua “BIB rụng” chỉ 4 ngày
trước giải. “BIB rụng”, là thuật ngữ chỉ vé tham dự giải của người khác, phút
chót không dự giải được vì một lý do gì đó, bận rộn đột xuất, chấn thương, hay
vợ không cho đi, nhượng lại với giá rẻ. Dấn thân vào giới chạy tôi mới biết có
một thị trường mua bán tặng cho BIB khá sôi động. Bốc đồng một phần là vì tôi
đã chuẩn bị cho giải Hội An, lẽ ra diễn vào 30/4, nhưng vì COVID 19 nên giải bị
hoãn tới lận năm sau; một phần vì cậu bạn trong khu chung cư, biệt danh
Monster, quê ở gần Chu Lai, có đăng ký giải này nên tôi đu theo cho vui. Sau
khi tôi quyết định, thì hai cậu bạn khác, Superman và Hp, cũng đu theo, thế là
chúng tôi thành một nhóm 4 người. Superman ờ cùng khu chung cư với tôi, mới tập
chạy mới 6 tháng, nhưng tập rất chăm, có thể chạy 3 half-marathon trong vòng một
tuần, nên được gắn nick Superman. Hp ở khu khác, tôi gặp đôi lần trên đường chạy
và trên bàn bia.
Tối trước khi
chạy, chúng tôi “load carb” – một thuật ngữ khác chỉ việc tích lũy năng lượng
trước khi chạy, bằng một bữa ăn đặt chủ nhà trọ làm. Bữa ăn linh đình, giá chỉ
500 ngàn cho 4 người, cơm và cá tôm tươi khiến chúng tôi no ngất ngây. Một bữa
load carb thật mỹ mãn.
Bằng kinh nghiệm
chinh chiến hơn năm, sau bữa ăn, tôi mang Antibio Pro ra uống. Antibio Pro là
men tiêu hóa, của công ty nào thôi tôi không nói, mất công mang tiếng quảng
cáo, mặc dù tôi giờ không còn làm Bayer nữa. Antibio Pro là một món bửu bối cực
kỳ lợi hại trong những chuyến đi chơi bụi, và trước những buổi chạy dài hoặc chạy
thi, nhằm bảo đảm bụng dạ ở trong tình trạng tốt nhất. Tôi có mời mấy tên kia
dùng Antibio Pro, nhưng chúng nó lắc đầu đầy hoài nghi, và rồi sáng hôm sau thì
một trong số mấy tên đó phải nháo nhào tìm WC trên đường chạy.
Hai giờ rưỡi
sáng, chúng tôi đã lục đục dậy chuẩn bị. Có hai việc cần thiết phải làm buổi
sáng trước khi chạy: một là giải quyết đầu vào, và hai là giải quyết đầu ra. Đầu
vào, tôi nhá thêm một thanh năng lượng và một miếng bánh mì đen, mang theo từ
nhà. Đúng nghĩa là nhá, vì lúc này vấn đề không phải ngon hay không, mà là cần
phải nạp thêm một ít năng lượng. Đầu ra, cần uống thật nhiều nước, và sau đó vận
khí xuống đan điền, đảm bảo thứ gì cần ra phải ra, nếu không muốn chạy với một
cái bụng ậm ạch và phải quáng quàng trên đường chạy. Antibio Pro của đêm hôm
trước phát huy tác dụng rất tốt. Ngoài ra, tôi bôi kem Bepanthen chống hăm tã
lên những chỗ có khả năng cọ xát, và bôi kem chống nắng SPF 50 lên những vùng
da lộ ra ngoài.
Đây là lần chạy
FM, tức full marathon 42.195km, lần thứ hai của tôi. Lần thứ nhất, tháng
12/2019, tôi mất 5 giờ 8 phút để về đích, pace (nhịp độ) trung bình là 7:17, tức
là trung bình mất 7 phút 17 giây để hoàn thành một km. Với giới chạy phong
trào, mọi người thường đặt mục tiêu hoàn thành dưới một mốc thời gian nào đấy.
Sub-5 tức là dưới 5 tiếng; sub 4 tức là dưới 4 tiếng, thí dụ vậy.
Trong tập luyện,
tôi đã chạy được ở pace 6:24 suốt 34 cây số khá là thoải mái, nghĩa là nếu duy
trì pace này thêm 8km nữa tôi có thể hoàn thành FM trong vòng 4:30. Tuy nhiên,
Lý Sơn khác hẳn môi trường tập luyện. Tôi biết rằng sẽ rất nắng, rất nóng, rất
dốc, và mặt đường xấu, nên dự định duy trì pace 6:30 – 6:35 trong suốt 32km đầu;
sau đó, nếu còn sức thì tăng tốc, không thì cố duy trì pace.
Mặc dù biết
trước đường chạy và thời tiết sẽ khắc nghiệt, nhưng vẫn không ngờ rằng sẽ nhanh
hao sức đến thế. Trong tập luyện hằng ngày, với tôi, chạy 10km là súc miệng; chạy
21 km không cần phải nghĩ. Tuy nhiên, ở Lý Sơn, xuất phát lúc 4:30, chưa làm gì
đã thấy mồ hôi túa lua, và chạy tầm 500 mét tôi đã thấy nhịp tim của mình trên
140. Ngày thường, tôi có thể chạy tới km 27, 28 mà nhịp tim vẫn dưới 150. Sau
5km, tuy vẫn giữ pace 6:30, nhưng tôi đã bắt đầu thấy mệt! Superman, lần đầu chạy
FM, sung sức lắm, bỏ tôi một quãng khá xa. Cả Monster và Hp đều chạy trước tôi.
Chạy tầm 15km thì tôi đã nảy ra ý nghĩ hay ráng chạy 21km thôi rồi nghỉ! Từ đó
cho đến hết chặng đường, tôi phải luôn chiến đấu với tư tưởng chạy tiếp hay dừng.
Khoảng 5 giờ
rưỡi sáng, mặt trời bắt đầu lên. Trời trong, không một gợn mây, đẹp một cách
đáng ngại. Trời không mây, đường không cây, nghĩa là chúng tôi sẽ chạy trời
không khỏi nắng. Và con đường chúng tôi chạy, khác với hình ảnh lung linh trên
mạng, không lấy gì làm nên thơ cho lắm. Đoạn chạy ven biển, có một bức tường
xây cao ngang đầu người, ắt để chắn gió hay cát gì đấy, nên không thể vừa chạy
vừa ngắm biển. Mặt đường chỉ rất ít đoạn rải nhựa, chủ yếu là trải bê tông, lẫn
sỏi nhỏ và cát. Đã thế, lại còn phảng phất mùi phân bò. Đoạn đẹp nhất là đoạn
chạy giữa biển, ngang qua một chỗ gọi là hang Tò Vò. Chúng tôi phải chạy xoay
vòng đoạn này 4 lần. Lần 1 và 2 còn đỡ, còn lần 3 và 4, khi đã thấm mệt, thì đoạn
đường này giống cực hình, bởi lẽ vừa phơi thân cho nắng và gió, vừa phải leo dốc
cầu. Được cái, người dân Lý Sơn cổ vũ cho chúng tôi rất nhiệt tình. Có lẽ một
phần vì xưa giờ họ quen phơi mực, nhưng chưa quen chứng kiến một lũ khùng tình
nguyện làm mực phơi.
Đến khoảng km
26, thì tôi bắt kịp cả Superman, lẫn Hp. Hp hình như bị chuột cắn, còn Superman
trái với vẻ sung sức lúc đầu, tâm sự “em không ngờ nó hốc thế”. Nhờ nhân viên y
tế xịt ít Starbalm vào hai bắp chân ngăn ngừa chuột rút, tôi vượt qua Superman
và Hp. Thế nhưng tôi cũng chỉ có thể duy trì pace của mình đến tầm km 30. Sau
đó, thì tôi phải liên tục ghé các trạm tiếp nước nạp nước và Pocari, đồng thời
lấy mút lạnh vắt lên đầu và cổ để hạ nhiệt, rồi nhét luôn một miếng mút lạnh
vào nón đội đầu mà chạy tiếp. Sau 4 tiếng, tôi đã hoàn thành 36 km. Tính nhanh
trong đầu, giờ thì tàng tàng, vừa chạy vừa đi bộ, mình cũng về đích dưới 5 tiếng,
nên có lẽ cũng không cần cố quá kẻo quá cố, thế nên tôi chạy xen kẽ đi bộ. Cách
đích khoảng 600 m, Hp lại bắt kịp tôi. Thế là hai anh em góp chút sức tàn cùng
phi về đích cho ra vẻ. Trên đường về đích còn vượt qua một cô gái đang cúi người
nôn khan.
Cuối cùng, tôi
về đích trong 4:50 phút, xếp 101/406 vận động viên, gặt được PR. Monster về trước
20 phút, còn Superman về sau một tí, trước mốc 5 giờ - đây là một thành tích xuất
sắc bởi Superman mới tập chạy có 6 tháng. Chỉ có 239 người về đích cự ly này. Số
còn lại bỏ cuộc vì chấn thương, kiệt sức hoặc về đích quá thời gian quy định. Tỷ
lệ DNF (did not finish – không hoàn thành) lên đến 40% cho thấy sự khắc nghiệt
của cuộc đua. Sau đọc báo, mới thấy nhiều vận động viên cả chuyên lẫn không
chuyên phải cấp cứu.
Phần chúng
tôi, sau khi đã nhận tấm huy chương về đích đẫm mồ hôi nghĩa bóng lẫn nghĩa
đen, chúng tôi thưởng cho mình một chầu hải sản ra trò ở biển Rạng, gần sân bay
Chu Lai.
Như mọi sự kiện
lịch sử khác, tôi rút ra hai bài học cho bản thân: một, không xuất phát nhanh –
điều này thì tôi đã làm được, nhưng vẫn ghi nhớ cho lần sau; hai, phải tăng cường
các bài tập chạy dài hơn 30km trong tập luyện, để đảm bảo sức bền cho những km
cuối.
Bài tường thuật
đến đây là hết. Cảm ơn quý vị nào chẳng may đã theo dõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét