Bây giờ là 5 giờ sáng một ngày chủ nhật. Lẽ ra tôi còn phải
đang khò khò, nhất là đêm hôm trước còn hơi quá chén, nhưng tôi lại đang bật
laptop và gõ những dòng này. Thời gian thật nghiệt ngã. Ở tuổi hai mươi, người
ta có thể ngủ tới chín, mười giờ sáng và vẫn thấy thèm ngủ. Ở tuổi hai mươi người
ta có thể thức xuyên đêm đọc một cuốn sách và mười năm sau vẫn nhớ rành mạch từng
chi tiết trong cuốn sách đó. Ở tuổi khi đã có con sắp bước vào tuổi hai mươi,
người ta, tức tôi, không còn thèm ngủ nhiều như xưa, và mau chóng quên đi những
gì mình đã đọc. Chính vì vậy, một yêu cầu nho nhỏ của nhà Z, hãy kể lại một năm
đọc sách của mình, đâm ra thành một thách thức. Tôi chấp nhận thách thức đó, bằng
cách cố nhớ lại những cuốn sách nào đã gây ấn tượng cho mình trong năm qua, mà
không giở lại bất kỳ trang sách nào.
Hãy bắt đầu bằng một bộ phim, phim truyền hình thì đúng hơn
(ngoài lề 1: tôi vẫn kinh ngạc khi thấy cho tới bây giờ một số bậc thức giả vẫn
không phân biệt được phim truyền hình và phim điện ảnh, và vẫn nồng nhiệt khen
chê lẫn lộn trên mặt báo) (ngoài lề 2: series, thời tiếng Anh chưa phổ biến như
thời nay, vẫn được gọi là phim truyền hình nhiều tập, giờ đây, ngang nhiên được
gọi là “loạt phim”, một Netflix series được gọi là “loạt phim Netflix”, thật
quái gở), Six Feet Under. Mỗi tập phim này bắt đầu bằng một cái chết. Một
tập phim khởi đầu với cảnh bà vợ đang chuẩn bị ăn sáng cho chồng, chiên trứng,
rót nước cam, bày đĩa trước mặt chồng, trong khi đó, ông chồng thao thao bất
tuyệt về một chuyện gì đó. Khi xem, tôi đang băn khoăn, ông này nói cái gì chán
thế, thì trên ti vi, bà vợ không nói không rằng, lấy cái chảo vừa mới chiên trứng
xong, quật một phát thật lực vào đầu ông chồng, và đó là cảnh mở đầu tập phim
này. Ý nghĩ đến ngay trong đầu tôi ngay lúc đó là, ồ, cảnh này thật là tiểu
thuyết. Tôi hoàn toàn không có ý nói cảnh đó giả tưởng, không tin được, mà ngược
lại, nó rất đáng tin, và đó là một phẩm chất của tiểu thuyết.
Tiểu thuyết, theo tôi, là loại hình nghệ thuật nói được những
sự thật không thể nói ra, diễn tả được những khía cạnh bất định của hiện hữu,
nhìn thấy được sự đa dạng của cuộc sống mà ở đó cách suy nghĩ, hành xử của mỗi
con người được lèo lái bởi những động cơ bên trong không dễ gì nhìn thấu. Những
tiểu thuyết đích thực giúp người đọc hiểu hơn một chút về con người, nhưng đồng
thời nếu đọc xong một tiểu thuyết mà ta thấy hoang mang hơn về con người thì ấy
có thể là dấu hiệu của tiểu thuyết đích thực. Chính vì lẽ đó, mối quan tâm lớn
của tôi trong sự đọc là tiểu thuyết. Tôi vẫn đọc khảo cứu, tiểu luận,
non-fiction nói chung, nhưng tiểu thuyết mới là thứ mà tôi dành thời gian cho
nhiều nhất, trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của tôi sau chục tiếng văn phòng
hằng ngày, sau những buổi chạy bộ, leo núi, và trong sự chống chọi mạng xã hội
cùng những “loạt phim Netflix”.
Tôi nhớ mình dự định năm nay sẽ dành thời gian đọc lại là chủ
yếu, nhưng như nhiều dự định khác, đây là một trong những dự định bất thành. Dù
sao đi nữa, tôi nhớ đã bắt đầu năm đọc sách của mình bằng Người xa lạ của
Camus. Đây là lần thứ ba hay thứ tư tôi đọc cuốn sách mỏng dính này qua các bản
dịch khác nhau và lần nào tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác lãnh một cú đấm vào mặt.
Tôi không nghĩ anh chàng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này vô cảm. Anh ta
không xử sự theo cách mà đa số mọi người mong đợi, không tỏ vẻ buồn đau, khóc
than khi mẹ mất, không hẳn là anh ta không có cảm xúc. Đó là chỉ là một cách ứng
xử khác trong vô số cách ứng xử có thể có, nhưng người ta thường nghĩ rằng
trong một tình huống A thì cách ứng xử nhất định phải là B, hễ thế này thì nhất
định thế kia, nhưng ở đây nhân vật lại ứng xử theo kiểu Z. Tôi cũng không thấy
có gì phi lý trong cách nhân vật chính vô cớ giết người. Rất có thể cái chết của
mẹ anh ta tác động tới anh ta nhiều hơn anh ta tưởng, và mặt trời chói chang,
cái nóng hay con dao của gã Ả rập chỉ là điểm kích hoạt cho hành động có vẻ như
bột phát của anh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một giả thuyết. Việc Camus chưa bao giờ
giải thích động cơ cho hành vi này khiến cho cuốn tiểu thuyết mãi mãi mang một
vẻ bí ẩn.
Khi đọc Một chủ nhật khác của Thanh Tâm Tuyền, tôi thấy
có hơi hướm của Người xa lạ, mặc dù tôi có nghe nói rằng Thanh Tâm Tuyền
khoái Malraux chứ không phải phải Camus. Trong Một chủ nhật khác, có
chuyện Trung úy Kiệt, trong một lần được xả trại đã leo lên một chiếc xe đò đi
thẳng xuống một tỉnh miền Tây thuê phòng trọ nằm ngủ một mình một đêm thay vì về
nhà với vợ. Về sau, vợ Kiệt phát hiện ra chuyện này, Kiệt buộc phải bịa chuyện
là mình ngoại tình thì được vợ tin và tha thứ, chứ còn chuyện thuê phòng trọ nằm
một mình bởi không muốn gặp gỡ ai, không muốn trò chuyện với ai thì không bà vợ
nào tin được. Cũng giống như trong Người xa lạ, nhân vật chính được
trông đợi là phải buồn đau khi mẹ mất, ở đây, Kiệt được [vợ] trông đợi là phải
ngoại tình. Họ được trông đợi ứng xử theo những mẫu hình khuôn khổ, có thể đoán
định được. Nhưng tiểu thuyết là phải bắt được những cách ứng xử không theo
khuôn, bởi con người là một động vật cực kỳ phức tạp, đâu có thể dễ dàng quy giản?
Một chủ nhật khác cũng là cuốn sách tôi đọc hai lần gần như liên tục.
***
Những chuyến bay thường là thời gian đọc sách lý tưởng nhất,
bởi khi đó ta không bị quấy rầy bởi email, tin nhắn và nhất là Facebook. Khi
bay, tôi thường mang theo Kindle. Đó cũng là một lựa chọn lý tưởng, vì Kindle gọn,
nhẹ, chứa được nhiều sách nên đỡ phải băn khoăn mang cuốn gì theo trước khi
bay. Cũng nhờ Kindle tôi có thể mua sách từ nước ngoài chỉ mất vài giây. Với những
cuốn sách không được phát hành rộng rãi hoặc đã tuyệt bản, thì Kindle quả là cứu
tinh. Tôi đã đọc Night Prayers của Santiago Gamboa, một nhà văn
Colombia, tập truyện ngắn Sáng tác mới 2023 do ZZZ review tuyển chọn và Mùa
biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng Kindle và hầu như trên những chuyến
bay.
Tôi còn chưa nghe tên Santiago Gamboa khi đọc Return to
the Dark Valley của ông hồi năm ngoái. Vì một lý do nào đó, Amazon
“recommend” ông cho tôi. Cái nhan đề cuốn hút, cộng thêm mác nhà văn Colombia với
phong cách gần giống Roberto Bolaño khiến tôi nhắp chuột ngay tắp lự, để
rồi sau đó nhắp chuột lần nữa, tải Night Prayers về Kindle. Dường như
tình dục, chính trị và bạo lực là đặc sản của các nhà văn Mỹ La tinh. Tất cả
món này có trong Night Prayers, câu chuyện về một cậu sinh viên triết học
vướng vào vận chuyển ma túy nên phải ngồi tù ở Bangkok và người chị tìm mọi
cách để cứu cậu ra. Nhưng cũng như trong các tiểu thuyết của Bolaño,
Night Prayers có rất nhiều digression – ngoại đề hay chuyện ngoài
lề. Một trong những đoạn ngoài lề bàn về bạo lực ở Colombia mà tôi thích thú đó
là khi một nhân vật nói đại ý rằng hòa bình mà ta thấy ở châu Âu ngày hôm nay
(sách viết trước khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra) chỉ có được sau hai nghìn
năm giết chóc, và các quốc gia châu Âu khi cùng tuổi với Colombia ở thời điểm
hiện tại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, nội chỉ việc Hồng quân chiếm
Berlin vài tuần đã khiến nhiều người chết hơn cả một thế kỷ xung đột ở Colombia,
bạo lực là một phần của lịch sử và Colombia sẽ tiến tới hòa bình nhanh hơn, và
ít đổ máu hơn châu Âu. Cũng nhân vật đó cho rằng châu Âu không có tương lai.
“Đó là một châu lục mệt mỏi, xấu tính cố gắng dạy dỗ người khác phải sống thế
nào, nhưng lại trở nên đông cứng do tự ngắm mình quá nhiều trong gương.” Night
Prayers có phải là cuốn xuất sắc hay không? Tôi nghĩ là không. Nhiều chỗ nó
ly kỳ một cách không cần thiết, hơi giống các phim truyền hình Tây Ban Nha hay
Mexico với các nhân vật hay hoa tay múa chân và nói sùi bọt mép, nhưng được cái
nhịp độ nhanh nên không buồn ngủ.
Các truyện ngắn trong số Sáng tác mới 2023 do ZZZ
Review tuyển chọn mang tới cho tôi nhiều bất ngờ. Nếu tại thời điểm này hỏi lại
truyện nào của ai viết gì thì tôi chịu, nhưng ấn tượng chung khi đọc là các
truyện đều mới mẻ. Cái cách các tác giả dựng truyện, chủ đề họ theo đuổi, ngôn
ngữ họ sử dụng ít thấy dấu vết của các
tác giả Việt Nam thế hệ trước. Đọc họ, thấy ảnh hưởng của các nhà văn nước
ngoài nhiều hơn, và có vẻ như họ còn đọc trực tiếp nguyên tác không qua bản dịch.
Điều này cũng thể hiện phần nào trong cách họ hành văn. Người khó tính sẽ cho
đó là văn thiếu chỉn chu. Người không khó tính lắm có thể cho rằng mỗi thế hệ
có cách diễn đạt riêng của họ, và nhóm các tác giả này đã tìm được cách diễn đạt
phù hợp với thời họ đang sống.
Một thành tựu trong năm của tôi là đã đọc xong bộ trường
thiên tiểu thuyết năm tập Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng
Kindle. Vâng, với sự cạnh tranh khốc liệt của các “loạt phim Netflix” thì cày
vài “loạt phim” không phải chuyện gì to tát, nhưng đọc xong mấy nghìn trang của
một cuốn sách nhất định phải tự coi đó là thành tựu. Do cách dàn trang, format
không chuẩn của các file Kindle mà tôi đã đọc tập 3, tập về Mậu Thân, cũng là tập
hay nhất, trước tiên rồi mới quay lại đọc tập 1, tập 2. Giả như tôi đọc thì tập
1 thì chưa chắc tôi đã hoàn thành. Có lẽ vì định bụng viết trường thiên tiểu
thuyết nên tác giả dàn cảnh hơi lâu, điều này hoàn toàn hiểu được, khoảng hai,
ba chương đầu của tập 1 chưa hứa hẹn gì. Tôi nghĩ viết tiểu thuyết dài cũng giống
như chạy marathon, nếu khởi đầu hăng quá thì mau đuối sức. Nguyễn Mộng Giác rõ
là người chạy marathon tốt.
Câu chuyện của Mùa biển động xoay quanh một nhóm bạn và
các thành viên gia đình của họ, bắt đầu tại Huế khoảng năm 65-66, rồi theo chân
các nhân vật đến Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột rồi Sài Gòn vắt qua mốc 75 kèo dài đến
khoảng năm 80. Một không gian rộng lớn và một quãng thời gian khá dài như thế
nên Mùa biển động đương nhiên có nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện, chủ đề:
phong trào đấu tranh của sinh viên Huế, sự kiện Mậu Thân, chuyện văn giới miền
Nam, quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ ở cao nguyên và Huế, trại cải tạo, vượt
biên.v.v. Tôi đặc biệt quan tâm những chương viết về tranh luận, đối đầu giữa
ba người bạn thân Ngữ, Tường, Ngô. Qua họ, ta có thể hình dung ra các trí thức
trẻ miền Nam trước đây đã suy nghĩ, băn khoăn, lựa chọn hướng đi ra sao. Rõ ràng
họ có quyền lựa chọn hướng đi, trong mối tương quan với các trí thức trẻ miền Bắc
cùng thời kỳ; rõ ràng không ai chọn hướng đi giùm họ, nhưng sự tự do lựa chọn
không bảo đảm gì họ có một lựa chọn đúng đắn. Dẫu gì thì họ đã được sống và trả
giá bằng lựa chọn của chính mình, nên đấy
cũng là một niềm an ủi.
Mùa biển động có những trang viết về tình yêu thật đẹp,
tôi nghĩ thuộc loại đẹp nhất trong văn chương Việt Nam. Mùa biển động
cũng có những đại cảnh được viết lại dựa trên các hồi ký (của Hoàng Khởi Phong
và Cao Xuân Huy) nên rất sống động. Tuy không nên so sánh giữa tiểu thuyết và hồi
ký, nhưng phần viết lại Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy trong tập 4 của
Miền biển động tôi thấy hay hơn sách của họ Cao. Mùa biển động,
chắc chắn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam,
cùng với Sông Côn mùa lũ.
***
Quãng thời gian cuối năm, tôi muốn dành thời gian cho cổ điển.
Đó là lý do tôi quyết định bắt đầu đọc Giáo dục tình cảm của Flaubert
qua bản dịch Lê Hồng Sâm. Tôi rất thẹn thùng tiết lộ rằng tôi đã định đọc cuốn
này từ 10 năm trước, thế nhưng, dẫu biết rằng lao đầu vào các tác phẩm cổ điển
sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, thực tế tác phẩm cổ điển đồng thời cũng tạo ra một nỗi ngán ngại. Ta có đủ thời
gian cho nó không? Ta có kiên nhẫn lật dở từng trang của cuốn sách dày cộp
không khi còn bao sách chất đống quanh nhà?
Thời gian trôi rất vội, bữa ăn trưa chỉ có năm phút, mà tác giả thì tỉ mỉ,
kể lể chi tiết từng hoa văn trên váy áo, từng món xốt trên bàn tiệc, từng vết
cào trên da. Trong khi đó, như bao người khác, tôi còn dễ bị dẫn dụ bởi bao
nhiêu sách vở, phim ảnh bình thường, tầm thường, ngớ ngẩn hoặc chỉ để giải trí.
Bước vào một tác phẩm cổ điển, tuy không đến nỗi phải tắm rửa dọn mình, nhưng
ít ra cần toàn tâm, toàn ý, dành thời gian cho nó. Thực tế, tôi mất khoảng 4 tuần
mới đọc xong Giáo dục tình cảm.
Giáo dục tình cảm quả nhiên là đỉnh cao của nghệ thuật
tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết gia lớn đều giữ khoảng cách với nhân vật của
mình, nhưng tôi nghĩ, với Flaubert, ông đã đạt tới sự khách quan tuyệt đối với
các nhân vật tiểu thuyết. Tôi nhận thấy ông không bao giờ tỏ ra yêu, ghét, giận
dữ, thương mến, hay bất kỳ tình cảm nào với các nhân vật của mình, dù họ đáng
yêu hay đáng khinh đến mức nào.
Ông tả cái sự mê gái hay thôi rồi. Khi say một người con
gái, say làn da lộng lẫy, vóc dáng quyến rũ, hay những ngón tay thanh tú đã
đành. Nhưng cái sự say mà ông miêu tả, nó đi sâu và xa làm sao. Say là say cả đồ
vật người ta sở hữu, là tò mò, muốn biết tất tần tật về cuộc đời người ta: “Anh
nhìn giỏ đồ khâu của nàng với niềm kinh ngạc, như một vật phi thường. Nàng tên
gì, ở đâu, cuộc đời nàng, quá khứ của nàng ra sao? Anh ước mong biết được đồ đạc
trong phòng nàng, mọi áo váy nàng đã mặc, những người nàng giao du; và ham muốn
chiếm hữu thể chất thậm chí cũng tan biến dưới một khao khát sâu xa hơn, trong
một nỗi tò mò đau đớn vô biên.” Đúng là đỉnh về say mê.
Tôi tìm hiểu một chút thì biết được Flaubert đã mất năm năm
nghiên cứu để đảm bảo các chi tiết lịch sử trong sách chân thực tối đa. Chẳng hạn
như trong sách có viết cuộc bạo loạn đã đốt năm đống lửa trong cung điện, thì trong
thực tế lịch sử đã có năm đống lửa, chứ không phải bốn, hay sáu được đốt. Đây
là một gợi ý cho các nhà văn khi viết về lịch sử, có hư cấu thế nào thì cũng phải
đảm bảo các chi tiết lịch sử chính xác.
Giáo dục tình cảm là một tiểu thuyết lớn, nên tôi
nghĩ tôi cần đọc lại nó sau ba hay năm năm nữa. Đọc, là để đọc, để quảng cáo
cho bạn bè đọc, chứ viết gì về nó tôi cũng thấy nông cạn.
***
Những cuốn trên đây cơ hồ là những cuốn tôi nhớ nhất trong
năm nay. Cũng có những cuốn khác, khi đọc, tôi thấy hay, thậm chí rất thích,
nhưng đến giờ hỏi tôi cuốn sách ấy viết về cái gì thì chịu. Trí nhớ tôi quả thật
rất suy tàn. Tuy vậy, nhờ Goodreads nhắc, tôi biết tôi đã đọc và thích những cuốn
sau: Một chỗ trong đời của Annie Ernaux, Người cô độc của
Christopher Isherwood, Tiếng núi của Kawabata (rất hay), Sậy của
Thuận (tôi thích cuốn này nhất trong những cuốn gần đây của Thuận) và Hành
trình yêu của Alain de Botton.
Cũng xin thú nhận, nếu nói bài viết này là bài tập cho trí
nhớ, thì bài tập này đã thất bại. Tôi đã không nhớ tên nhân vật chính trong Người
xa lạ nên phải đi tra. Cũng như để có những đoạn trích trong Night
Prayers hay Giáo dục tình cảm tôi buộc phải lần lại những trang đã
đánh dấu.
Để kết thúc bài một năm đọc sách, tôi muốn trích một đoạn
thơ trong một cuốn sách ra đời lặng lẽ tháng cuối năm, lặng lẽ như chính tác giả
của nó, cuốn Thơ Phan Đan.
“Những cành cây/hai lần chết chém
Những đám mây/hai lần bị bắn
Và nụ cười tôi/hai lần bị treo cổ/cái màu đỏ điên rồ/khi
tôi đón em.”
Tập thơ này có 160 bài, hơn 400 trang. Hầu hết các bài đều
viết đã lâu, như rượu được ủ nhiều năm. Mỗi ngày, tôi nhấm nháp một ít, tự thưởng
cho mình (vì đã vâng lời chị Z).