Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Một năm chạy bộ

Một năm chạy bộ

Người ta nói nhiều, rất nhiều về những điều tuyệt vời của chạy bộ. Người ta lại hiếm khi nói chạy bộ có thể tệ hại như thế nào, nhất là chạy giải. Để tôi nói ngay và luôn, điều tệ hại nhất sau khi chạy giải là đánh mất chính mình. Mình không còn là người bình thường nữa. Mình tưng tưng, mình lâng lâng, mình ngồi nhìn hoài màn hình Strava (cho dân ngoại đạo: Strava là ứng dụng ghi lại chi tiết các lần chạy, mạng xã hội của dân chạy bộ), xem đi xem lại các thông số, mình rất khó tập trung vào việc khác. Chưa kể một số thành phần bỗng trở nên tự yêu mình quá độ, đem ảnh bản thân khoe hết khắp các forum, thay avatar, thay ảnh cover. Nói chung rất dở hơi và ngớ ngẩn. Nếu không chạy bộ họ đã không trở nên dở hơi và ngớ ngẩn như thế.
Tôi đang nói về chính mình. Tôi không nói về một ông Phú hay ông Nam nào cả. Đây là bài viết về một năm chạy bộ của tôi. Sở dĩ tôi viết lúc này vì tôi đang không làm được gì khác. Vả chăng, đã có một bài một năm đọc sách ( https://blog.zzzreview.com/?p=5576 ) thì phải thêm bài một năm chạy bộ cho trọn vẹn hai chữ R & R - Read & Run. (Lẽ ra, còn chữ R thứ ba: dRink.)
Quãng giữa năm ngoái, tôi bị viêm gan bàn chân. Đây là một loại chấn thương phổ biến đối với dân chạy bộ, là loại chấn thương để khỏi đau thì mau nhưng để chạy lại được thì lâu. Nó quái quỉ ở chỗ đi bộ bình thường không sao, dùng hết sức nhấn vào gan bàn chân mới cảm giác đau nhẹ, nhưng cứ hễ nhấc chân chạy là nó lại đau. Tôi phải nghỉ chạy hoàn toàn bốn tháng. Trong bốn tháng đó, nhìn tracklog của bạn bè, thấy bạn bè đi giải nọ mà thèm, chỉ mong tới ngày được xỏ giày ra đường lại. Với dân chạy marathon, nghỉ bốn tháng cũng có nghĩa phải tập lại từ đầu, vì tích lũy sức bền đã tan thành mây khói. Mãi đến cuối năm ngoái, tôi mới chạy nhẹ lại được 5km, cách ngày một lần, mỗi lần chạy về vẫn phải dùng cây lăn để lăn gan bàn chân. Nhưng ngay từ lúc đó tôi đã mua BIB chạy marathon tại Quy Nhơn vào tháng 6, áng chừng tới lúc đó chân cẳng đã lành lặn.
Tháng 3 năm nay, tôi chạy lại được cái half marathon (21km) đầu tiên sau hơn 9 tháng, với tốc độ rùa bò. Tháng 6, cả nhà tôi đi tour ẩm thực Quy Nhơn, tiện thể tôi làm pacer cho lão bà bà nhà tôi chạy marathon lần đầu. Quy Nhơn biển đẹp, đồ ăn ngon, rẻ. Chúng tôi đặt khách sạn ngay bên cạnh một quán chè, sinh tố, bánh bèo ngon bậc nhất Quy Nhơn. Có ngày chúng tôi ghé quán 4 lần. Cộng với những chầu chiêu đãi và ăn mừng trước và sau giải, chạy xong marathon mà tôi lại tăng hai ký. Đường chạy may không nắng lắm nên vụ làm pacer cho lão bà coi như thành công: dự kiến 5 tiếng, về đích 4:46. Cả hai đều có thêm mảnh sắt vụn mang về nhà. Cái chân của tôi chạy xong chỉ rêm nhẹ, nghỉ vài ngày khỏi, coi như đã có thể bỏ lại chấn thương phía sau.
Tháng 9, chúng tôi chạy giải Mù Căng Chải cự ly 50km. Ban tổ chức khuyến mãi thành 53 km, độ cao tổng cộng 3.400 m. Đây là giải chay địa hình (trail), khác với các giải chạy đường nhựa (road). Cùng là chạy đường dài nhưng có thể coi đây là hai phân môn đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Tôi đã chạy road nhiều nhưng chưa quen trail mấy. Sau xem lại mới biết, so với các giải trail khác ở Việt Nam, thì đây là giải có độ khó khá cao. Kể cả vậy, thì lão bà bà nhà tôi, với biệt tài xuống dốc nhanh như lên dốc, và tôi, sau khi ngắm cảnh, chụp hình, quay video chán chê cũng đã về đích thu hoạch thêm hai miếng sắt vụn mà không cần phải ngồi xe máy như một số người khác.
Về cảnh quan, giải quá đẹp. Đúng là chỉ khi chạy sâu vào đồi núi bản làng mới có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ, ngắm bình minh ửng cam hay hoàng hôn bảng lảng khói sương mà không phải chen chúc với bất kỳ cô dì chú bác nào, đặc biệt các cô dì chú bác mặc áo thun đồng phục nắm tay nhau hoặc dang tay co cẳng chụp ảnh check-in. Về khâu tổ chức, có những chỗ khá nguy hiểm chẳng hạn vượt suối hay men miệng vực cheo leo mà ban tổ chức không cử người giám sát hay hỗ trợ, lỡ vận động viên gặp vấn đề gì không biết kêu cứu thế nào. Ngoài ra, ban tổ chức giải cũng không giám sát được các trường hợp ngồi xe máy về đích mà vẫn nhận huy chương, áo finisher, chưa kể sau đó lên mạng xã hội chém gió như đúng rồi.
Hai tuần sau Mù Căng Chải, chúng tôi lại bay ra Hà Nội chạy giải VP Bank. Lão bà bà nhà tôi, sau khi hoàn thành marathon đầu tiên giờ không có đường lùi nữa, hễ chạy thì phải chạy 42km, còn không ở nhà không nói nhiều. Do bà ta rất ham chơi nên đành chấp nhận. Dù sao thì bà ta cũng không phải tốn kém chi phí gì. Chúng tôi thuê khách sạn ở ngay phố cổ nên lần đầu tiên sau bao nhiêu năm mới thực sự khám phá phố cổ. Lang thang ăn uống trong phố cổ thật thích. Nhiều hàng ăn không tên tuổi gì nhưng chuyên canh một món mấy mươi năm, cái lưỡi tôi rất hài lòng (hay hài lưỡi?). Giải này, tôi không làm pacer cho lão bà bà nữa, làm mẫu một lần thôi chứ. Tuy nhiên, do chưa phục hồi hoàn toàn sau Mù Căng Chải và cổ chân đang rêm, nên chỉ đặt mục tiêu 4:30.
Hà Nội đầu tháng 10 nắng vẫn còn gắt. Xuất phát lúc 3 giờ, đến tầm sáu rưỡi bảy giờ nắng lắm rồi. Đã vậy, đến những trạm nước gần cuối, xin một chai nước để mang theo tình nguyện viên nhất định không cho, bảo anh khát thì anh uống mấy ly đi chứ không cho chai. Tôi nghĩ ban tổ chức các giải chạy cần lưu ý vấn đề này. Đúng là ở nửa đầu của chặng đường marathon, không nên phát nguyên chai nước cho vận động viên, vì mọi người chỉ có thể hớp rồi quăng đi rất phí. Tuy vậy, ở nửa sau, khi nắng lên, cần cho vận động viên nguyên chai nước, vì khi đó chỉ cần chạy một hai trăm mét là đã lại thấy khát rồi. Nếu không, thì cần sắp xếp thêm các trạm nước phụ nửa sau của cung đường marathon. Giải này rốt cuộc tôi về đích sau 4:38. Lão bà bà về sau tôi 8 phút.
VnExpress là ban tổ chức giải chạy khá uy tín. Tuy nhiên, với giải Hải Phòng vừa rồi thì việc tổ chức khá trời ơi. Đầu tiên là việc công bố đường chạy rất trễ. Vận động viên từ nơi xa tới cần đặt khách sạn sớm nên đa số chọn khách sạn ở trung tâm thành phố. Khi đường chạy công bố rồi, tất cả mới ngỡ ngàng. Cự ly 42km xuất phát ở trung tâm thật, nhưng về đích ở Đồ Sơn. Các cư ly còn lại đều xuất phát và về đích ở Đồ Sơn. Nếu một gia đình chồng chạy 42, vợ chạy 21, con chạy 10 km, thì sắp xếp ăn ở, đi lại kiểu gì cũng bất tiện. Đó là chưa kể expo cũng làm tại Đồ Sơn nốt. Các vận động viên chạy 42km có toàn quyền đi xe 22km ra Đồ Sơn lấy Bib, quay về Hải Phòng, để sáng hôm sau chạy bộ ra Đồ Sơn, chạy xong rồi chờ chực xe buýt để ngược về Hải Phòng. Mà cái khu Đồi Rồng ấy có đẹp đẽ gì cho cam. Nó xanh xanh, vàng vàng, đỏ đỏ, trông kinh tởm không kém đống bê tông đủ màu giả cầy ở Phú Quốc. Tới khâu gởi đồ và trả đồ trước và sau chạy thì thật kinh hoàng. Trời rét căm mà tôi mất hơn tiếng đồng hồ chen chúc mới lấy được áo khoác đã gửi ra. Ở điểm xuất phát, toa lét chỉ có 4 cái cho gần 2000 con người, đã thế chúng còn không ở trong tình trạng hoạt động tốt nhất (ấy là nói giảm), khiến cái hàng rào công viên gần đó trở nên khai ngáy.
Tuy nhiên, thời tiết mát mẻ, khi xuất phát chỉ 12 độ C, mặt đường phẳng phiu, chỉ có mỗi một cây cầu. Vì vậy, giải này hầu như ai chạy cũng có PR (personal record: kỷ lục cá nhân). Phần tôi, lúc đầu đặt mục tiêu 4:15, sau thấy bon chân nên dấn thêm tí, về đích sau 3 giờ 58 phút, chạy negative hẳn hòi (nửa sau nhanh hơn nửa đầu). Đây là lần thứ hai tôi chạy marathon dưới 4 tiếng (sub 4). Cách đây ba năm, khi lần đầu tiên tôi đạt sub 4, cả nước tròm trèm 1000 người chạy sub 4. Sau 3 năm, con số đó đã lên gấp 4. Riêng giải này đã gần 900 sub 4 và hơn 80 sub 3, chứng tỏ phong trào marathon Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Sub 4 bây giờ không có gì quá đáng kể, nhưng nó vẫn khiến tôi lâng lâng suốt mấy hôm. Lão bà bà nhà tôi cũng phá sâu PR, về đích sau 4 tiếng 20 phút. Đó cũng là thành tích vĩ đại đối với một lão bà, vốn quan tâm tới ăn uống hơn chạy chọt, thậm chí khi chạy còn không biết nhìn đồng hồ canh pace.
Một năm chạy bộ của chúng tôi vẫn chưa xong. Ngày cuối năm, chúng tôi còn 30 km đường núi ở Tương Kỳ, Vũng Tàu. Lại thêm một tour ẩm thực nữa. Và 30 km này cũng sẽ là bài tập cho giải ẩm thực Mộc Châu vào giữa tháng 1 năm sau.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Bài tập cho trí nhớ

 

Bây giờ là 5 giờ sáng một ngày chủ nhật. Lẽ ra tôi còn phải đang khò khò, nhất là đêm hôm trước còn hơi quá chén, nhưng tôi lại đang bật laptop và gõ những dòng này. Thời gian thật nghiệt ngã. Ở tuổi hai mươi, người ta có thể ngủ tới chín, mười giờ sáng và vẫn thấy thèm ngủ. Ở tuổi hai mươi người ta có thể thức xuyên đêm đọc một cuốn sách và mười năm sau vẫn nhớ rành mạch từng chi tiết trong cuốn sách đó. Ở tuổi khi đã có con sắp bước vào tuổi hai mươi, người ta, tức tôi, không còn thèm ngủ nhiều như xưa, và mau chóng quên đi những gì mình đã đọc. Chính vì vậy, một yêu cầu nho nhỏ của nhà Z, hãy kể lại một năm đọc sách của mình, đâm ra thành một thách thức. Tôi chấp nhận thách thức đó, bằng cách cố nhớ lại những cuốn sách nào đã gây ấn tượng cho mình trong năm qua, mà không giở lại bất kỳ trang sách nào.

Hãy bắt đầu bằng một bộ phim, phim truyền hình thì đúng hơn (ngoài lề 1: tôi vẫn kinh ngạc khi thấy cho tới bây giờ một số bậc thức giả vẫn không phân biệt được phim truyền hình và phim điện ảnh, và vẫn nồng nhiệt khen chê lẫn lộn trên mặt báo) (ngoài lề 2: series, thời tiếng Anh chưa phổ biến như thời nay, vẫn được gọi là phim truyền hình nhiều tập, giờ đây, ngang nhiên được gọi là “loạt phim”, một Netflix series được gọi là “loạt phim Netflix”, thật quái gở), Six Feet Under. Mỗi tập phim này bắt đầu bằng một cái chết. Một tập phim khởi đầu với cảnh bà vợ đang chuẩn bị ăn sáng cho chồng, chiên trứng, rót nước cam, bày đĩa trước mặt chồng, trong khi đó, ông chồng thao thao bất tuyệt về một chuyện gì đó. Khi xem, tôi đang băn khoăn, ông này nói cái gì chán thế, thì trên ti vi, bà vợ không nói không rằng, lấy cái chảo vừa mới chiên trứng xong, quật một phát thật lực vào đầu ông chồng, và đó là cảnh mở đầu tập phim này. Ý nghĩ đến ngay trong đầu tôi ngay lúc đó là, ồ, cảnh này thật là tiểu thuyết. Tôi hoàn toàn không có ý nói cảnh đó giả tưởng, không tin được, mà ngược lại, nó rất đáng tin, và đó là một phẩm chất của tiểu thuyết.

Tiểu thuyết, theo tôi, là loại hình nghệ thuật nói được những sự thật không thể nói ra, diễn tả được những khía cạnh bất định của hiện hữu, nhìn thấy được sự đa dạng của cuộc sống mà ở đó cách suy nghĩ, hành xử của mỗi con người được lèo lái bởi những động cơ bên trong không dễ gì nhìn thấu. Những tiểu thuyết đích thực giúp người đọc hiểu hơn một chút về con người, nhưng đồng thời nếu đọc xong một tiểu thuyết mà ta thấy hoang mang hơn về con người thì ấy có thể là dấu hiệu của tiểu thuyết đích thực. Chính vì lẽ đó, mối quan tâm lớn của tôi trong sự đọc là tiểu thuyết. Tôi vẫn đọc khảo cứu, tiểu luận, non-fiction nói chung, nhưng tiểu thuyết mới là thứ mà tôi dành thời gian cho nhiều nhất, trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của tôi sau chục tiếng văn phòng hằng ngày, sau những buổi chạy bộ, leo núi, và trong sự chống chọi mạng xã hội cùng những “loạt phim Netflix”.

Tôi nhớ mình dự định năm nay sẽ dành thời gian đọc lại là chủ yếu, nhưng như nhiều dự định khác, đây là một trong những dự định bất thành. Dù sao đi nữa, tôi nhớ đã bắt đầu năm đọc sách của mình bằng Người xa lạ của Camus. Đây là lần thứ ba hay thứ tư tôi đọc cuốn sách mỏng dính này qua các bản dịch khác nhau và lần nào tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác lãnh một cú đấm vào mặt. Tôi không nghĩ anh chàng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này vô cảm. Anh ta không xử sự theo cách mà đa số mọi người mong đợi, không tỏ vẻ buồn đau, khóc than khi mẹ mất, không hẳn là anh ta không có cảm xúc. Đó là chỉ là một cách ứng xử khác trong vô số cách ứng xử có thể có, nhưng người ta thường nghĩ rằng trong một tình huống A thì cách ứng xử nhất định phải là B, hễ thế này thì nhất định thế kia, nhưng ở đây nhân vật lại ứng xử theo kiểu Z. Tôi cũng không thấy có gì phi lý trong cách nhân vật chính vô cớ giết người. Rất có thể cái chết của mẹ anh ta tác động tới anh ta nhiều hơn anh ta tưởng, và mặt trời chói chang, cái nóng hay con dao của gã Ả rập chỉ là điểm kích hoạt cho hành động có vẻ như bột phát của anh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một giả thuyết. Việc Camus chưa bao giờ giải thích động cơ cho hành vi này khiến cho cuốn tiểu thuyết mãi mãi mang một vẻ bí ẩn.

Khi đọc Một chủ nhật khác của Thanh Tâm Tuyền, tôi thấy có hơi hướm của Người xa lạ, mặc dù tôi có nghe nói rằng Thanh Tâm Tuyền khoái Malraux chứ không phải phải Camus. Trong Một chủ nhật khác, có chuyện Trung úy Kiệt, trong một lần được xả trại đã leo lên một chiếc xe đò đi thẳng xuống một tỉnh miền Tây thuê phòng trọ nằm ngủ một mình một đêm thay vì về nhà với vợ. Về sau, vợ Kiệt phát hiện ra chuyện này, Kiệt buộc phải bịa chuyện là mình ngoại tình thì được vợ tin và tha thứ, chứ còn chuyện thuê phòng trọ nằm một mình bởi không muốn gặp gỡ ai, không muốn trò chuyện với ai thì không bà vợ nào tin được. Cũng giống như trong Người xa lạ, nhân vật chính được trông đợi là phải buồn đau khi mẹ mất, ở đây, Kiệt được [vợ] trông đợi là phải ngoại tình. Họ được trông đợi ứng xử theo những mẫu hình khuôn khổ, có thể đoán định được. Nhưng tiểu thuyết là phải bắt được những cách ứng xử không theo khuôn, bởi con người là một động vật cực kỳ phức tạp, đâu có thể dễ dàng quy giản? Một chủ nhật khác cũng là cuốn sách tôi đọc hai lần gần như liên tục.

***

Những chuyến bay thường là thời gian đọc sách lý tưởng nhất, bởi khi đó ta không bị quấy rầy bởi email, tin nhắn và nhất là Facebook. Khi bay, tôi thường mang theo Kindle. Đó cũng là một lựa chọn lý tưởng, vì Kindle gọn, nhẹ, chứa được nhiều sách nên đỡ phải băn khoăn mang cuốn gì theo trước khi bay. Cũng nhờ Kindle tôi có thể mua sách từ nước ngoài chỉ mất vài giây. Với những cuốn sách không được phát hành rộng rãi hoặc đã tuyệt bản, thì Kindle quả là cứu tinh. Tôi đã đọc Night Prayers của Santiago Gamboa, một nhà văn Colombia, tập truyện ngắn Sáng tác mới 2023 do ZZZ review tuyển chọn và Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng Kindle và hầu như trên những chuyến bay.

Tôi còn chưa nghe tên Santiago Gamboa khi đọc Return to the Dark Valley của ông hồi năm ngoái. Vì một lý do nào đó, Amazon “recommend” ông cho tôi. Cái nhan đề cuốn hút, cộng thêm mác nhà văn Colombia với phong cách gần giống Roberto Bolaño khiến tôi nhắp chuột ngay tắp lự, để rồi sau đó nhắp chuột lần nữa, tải Night Prayers về Kindle. Dường như tình dục, chính trị và bạo lực là đặc sản của các nhà văn Mỹ La tinh. Tất cả món này có trong Night Prayers, câu chuyện về một cậu sinh viên triết học vướng vào vận chuyển ma túy nên phải ngồi tù ở Bangkok và người chị tìm mọi cách để cứu cậu ra. Nhưng cũng như trong các tiểu thuyết của Bolaño, Night Prayers có rất nhiều digression – ngoại đề hay chuyện ngoài lề. Một trong những đoạn ngoài lề bàn về bạo lực ở Colombia mà tôi thích thú đó là khi một nhân vật nói đại ý rằng hòa bình mà ta thấy ở châu Âu ngày hôm nay (sách viết trước khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra) chỉ có được sau hai nghìn năm giết chóc, và các quốc gia châu Âu khi cùng tuổi với Colombia ở thời điểm hiện tại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, nội chỉ việc Hồng quân chiếm Berlin vài tuần đã khiến nhiều người chết hơn cả một thế kỷ xung đột ở Colombia, bạo lực là một phần của lịch sử và Colombia sẽ tiến tới hòa bình nhanh hơn, và ít đổ máu hơn châu Âu. Cũng nhân vật đó cho rằng châu Âu không có tương lai. “Đó là một châu lục mệt mỏi, xấu tính cố gắng dạy dỗ người khác phải sống thế nào, nhưng lại trở nên đông cứng do tự ngắm mình quá nhiều trong gương.” Night Prayers có phải là cuốn xuất sắc hay không? Tôi nghĩ là không. Nhiều chỗ nó ly kỳ một cách không cần thiết, hơi giống các phim truyền hình Tây Ban Nha hay Mexico với các nhân vật hay hoa tay múa chân và nói sùi bọt mép, nhưng được cái nhịp độ nhanh nên không buồn ngủ.

Các truyện ngắn trong số Sáng tác mới 2023 do ZZZ Review tuyển chọn mang tới cho tôi nhiều bất ngờ. Nếu tại thời điểm này hỏi lại truyện nào của ai viết gì thì tôi chịu, nhưng ấn tượng chung khi đọc là các truyện đều mới mẻ. Cái cách các tác giả dựng truyện, chủ đề họ theo đuổi, ngôn ngữ họ sử dụng ít thấy dấu vết  của các tác giả Việt Nam thế hệ trước. Đọc họ, thấy ảnh hưởng của các nhà văn nước ngoài nhiều hơn, và có vẻ như họ còn đọc trực tiếp nguyên tác không qua bản dịch. Điều này cũng thể hiện phần nào trong cách họ hành văn. Người khó tính sẽ cho đó là văn thiếu chỉn chu. Người không khó tính lắm có thể cho rằng mỗi thế hệ có cách diễn đạt riêng của họ, và nhóm các tác giả này đã tìm được cách diễn đạt phù hợp với thời họ đang sống.

Một thành tựu trong năm của tôi là đã đọc xong bộ trường thiên tiểu thuyết năm tập Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng Kindle. Vâng, với sự cạnh tranh khốc liệt của các “loạt phim Netflix” thì cày vài “loạt phim” không phải chuyện gì to tát, nhưng đọc xong mấy nghìn trang của một cuốn sách nhất định phải tự coi đó là thành tựu. Do cách dàn trang, format không chuẩn của các file Kindle mà tôi đã đọc tập 3, tập về Mậu Thân, cũng là tập hay nhất, trước tiên rồi mới quay lại đọc tập 1, tập 2. Giả như tôi đọc thì tập 1 thì chưa chắc tôi đã hoàn thành. Có lẽ vì định bụng viết trường thiên tiểu thuyết nên tác giả dàn cảnh hơi lâu, điều này hoàn toàn hiểu được, khoảng hai, ba chương đầu của tập 1 chưa hứa hẹn gì. Tôi nghĩ viết tiểu thuyết dài cũng giống như chạy marathon, nếu khởi đầu hăng quá thì mau đuối sức. Nguyễn Mộng Giác rõ là người chạy marathon tốt.

Câu chuyện của Mùa biển động xoay quanh một nhóm bạn và các thành viên gia đình của họ, bắt đầu tại Huế khoảng năm 65-66, rồi theo chân các nhân vật đến Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột rồi Sài Gòn vắt qua mốc 75 kèo dài đến khoảng năm 80. Một không gian rộng lớn và một quãng thời gian khá dài như thế nên Mùa biển động đương nhiên có nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện, chủ đề: phong trào đấu tranh của sinh viên Huế, sự kiện Mậu Thân, chuyện văn giới miền Nam, quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ ở cao nguyên và Huế, trại cải tạo, vượt biên.v.v. Tôi đặc biệt quan tâm những chương viết về tranh luận, đối đầu giữa ba người bạn thân Ngữ, Tường, Ngô. Qua họ, ta có thể hình dung ra các trí thức trẻ miền Nam trước đây đã suy nghĩ, băn khoăn, lựa chọn hướng đi ra sao. Rõ ràng họ có quyền lựa chọn hướng đi, trong mối tương quan với các trí thức trẻ miền Bắc cùng thời kỳ; rõ ràng không ai chọn hướng đi giùm họ, nhưng sự tự do lựa chọn không bảo đảm gì họ có một lựa chọn đúng đắn. Dẫu gì thì họ đã được sống và trả giá bằng lựa chọn của  chính mình, nên đấy cũng là một niềm an ủi.

Mùa biển động có những trang viết về tình yêu thật đẹp, tôi nghĩ thuộc loại đẹp nhất trong văn chương Việt Nam. Mùa biển động cũng có những đại cảnh được viết lại dựa trên các hồi ký (của Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy) nên rất sống động. Tuy không nên so sánh giữa tiểu thuyết và hồi ký, nhưng phần viết lại Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy trong tập 4 của Miền biển động tôi thấy hay hơn sách của họ Cao. Mùa biển động, chắc chắn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, cùng với Sông Côn mùa lũ.

***

Quãng thời gian cuối năm, tôi muốn dành thời gian cho cổ điển. Đó là lý do tôi quyết định bắt đầu đọc Giáo dục tình cảm của Flaubert qua bản dịch Lê Hồng Sâm. Tôi rất thẹn thùng tiết lộ rằng tôi đã định đọc cuốn này từ 10 năm trước, thế nhưng, dẫu biết rằng lao đầu vào các tác phẩm cổ điển sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, thực tế tác phẩm cổ điển đồng thời  cũng tạo ra một nỗi ngán ngại. Ta có đủ thời gian cho nó không? Ta có kiên nhẫn lật dở từng trang của cuốn sách dày cộp không khi còn bao sách chất đống quanh nhà?  Thời gian trôi rất vội, bữa ăn trưa chỉ có năm phút, mà tác giả thì tỉ mỉ, kể lể chi tiết từng hoa văn trên váy áo, từng món xốt trên bàn tiệc, từng vết cào trên da. Trong khi đó, như bao người khác, tôi còn dễ bị dẫn dụ bởi bao nhiêu sách vở, phim ảnh bình thường, tầm thường, ngớ ngẩn hoặc chỉ để giải trí. Bước vào một tác phẩm cổ điển, tuy không đến nỗi phải tắm rửa dọn mình, nhưng ít ra cần toàn tâm, toàn ý, dành thời gian cho nó. Thực tế, tôi mất khoảng 4 tuần mới đọc xong Giáo dục tình cảm.

Giáo dục tình cảm quả nhiên là đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết gia lớn đều giữ khoảng cách với nhân vật của mình, nhưng tôi nghĩ, với Flaubert, ông đã đạt tới sự khách quan tuyệt đối với các nhân vật tiểu thuyết. Tôi nhận thấy ông không bao giờ tỏ ra yêu, ghét, giận dữ, thương mến, hay bất kỳ tình cảm nào với các nhân vật của mình, dù họ đáng yêu hay đáng khinh đến mức nào.

Ông tả cái sự mê gái hay thôi rồi. Khi say một người con gái, say làn da lộng lẫy, vóc dáng quyến rũ, hay những ngón tay thanh tú đã đành. Nhưng cái sự say mà ông miêu tả, nó đi sâu và xa làm sao. Say là say cả đồ vật người ta sở hữu, là tò mò, muốn biết tất tần tật về cuộc đời người ta: “Anh nhìn giỏ đồ khâu của nàng với niềm kinh ngạc, như một vật phi thường. Nàng tên gì, ở đâu, cuộc đời nàng, quá khứ của nàng ra sao? Anh ước mong biết được đồ đạc trong phòng nàng, mọi áo váy nàng đã mặc, những người nàng giao du; và ham muốn chiếm hữu thể chất thậm chí cũng tan biến dưới một khao khát sâu xa hơn, trong một nỗi tò mò đau đớn vô biên.” Đúng là đỉnh về say mê.

Tôi tìm hiểu một chút thì biết được Flaubert đã mất năm năm nghiên cứu để đảm bảo các chi tiết lịch sử trong sách chân thực tối đa. Chẳng hạn như trong sách có viết cuộc bạo loạn đã đốt năm đống lửa trong cung điện, thì trong thực tế lịch sử đã có năm đống lửa, chứ không phải bốn, hay sáu được đốt. Đây là một gợi ý cho các nhà văn khi viết về lịch sử, có hư cấu thế nào thì cũng phải đảm bảo các chi tiết lịch sử chính xác.

Giáo dục tình cảm là một tiểu thuyết lớn, nên tôi nghĩ tôi cần đọc lại nó sau ba hay năm năm nữa. Đọc, là để đọc, để quảng cáo cho bạn bè đọc, chứ viết gì về nó tôi cũng thấy nông cạn.

***

Những cuốn trên đây cơ hồ là những cuốn tôi nhớ nhất trong năm nay. Cũng có những cuốn khác, khi đọc, tôi thấy hay, thậm chí rất thích, nhưng đến giờ hỏi tôi cuốn sách ấy viết về cái gì thì chịu. Trí nhớ tôi quả thật rất suy tàn. Tuy vậy, nhờ Goodreads nhắc, tôi biết tôi đã đọc và thích những cuốn sau: Một chỗ trong đời của Annie Ernaux, Người cô độc của Christopher Isherwood, Tiếng núi của Kawabata (rất hay), Sậy của Thuận (tôi thích cuốn này nhất trong những cuốn gần đây của Thuận) và Hành trình yêu của Alain de Botton.

Cũng xin thú nhận, nếu nói bài viết này là bài tập cho trí nhớ, thì bài tập này đã thất bại. Tôi đã không nhớ tên nhân vật chính trong Người xa lạ nên phải đi tra. Cũng như để có những đoạn trích trong Night Prayers hay Giáo dục tình cảm tôi buộc phải lần lại những trang đã đánh dấu.

Để kết thúc bài một năm đọc sách, tôi muốn trích một đoạn thơ trong một cuốn sách ra đời lặng lẽ tháng cuối năm, lặng lẽ như chính tác giả của nó, cuốn Thơ Phan Đan.

“Những cành cây/hai lần chết chém

Những đám mây/hai lần bị bắn

Và nụ cười tôi/hai lần bị treo cổ/cái màu đỏ điên rồ/khi tôi đón em.”

Tập thơ này có 160 bài, hơn 400 trang. Hầu hết các bài đều viết đã lâu, như rượu được ủ nhiều năm. Mỗi ngày, tôi nhấm nháp một ít, tự thưởng cho mình (vì đã vâng lời chị Z).

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

Ladakh trip 8/2023

Cách đây ba tháng, ông thiền sư bạn tôi rủ rê mọi người đi Ladakh, tôi còn chưa biết nơi này nằm ở đâu trên bản đồ. Thông tin sau đó ông ta cung cấp, đây sẽ là một chuyến trekking và leo núi trên dãy Himalaya, phần thuộc Ấn Độ. Nghe hay hay, tôi bảo bạn cùng nhà, ui, đi chuyến này đã có ông thiền sư tổ chức, mình chỉ cần nhắm mắt đưa chân. Thế là chúng tôi hủy kế hoạch đi Lào, đu theo ông thiền sư.

Công nhận ông thiền sư rất mát tay: tất cả những người ông rủ rê ban đầu đều tham gia, rồi người này rủ thêm người kia, rốt cuộc chốt đoàn đến tận 16 thành viên. Tất cả đều từng có kinh nghiệm du lịch bụi, trekking hoặc leo núi, chịu ngủ bờ, ngủ bụi, ở dơ và hành xác. Nếu không có những điểm chung đó, khó để 16 con người hầu hết chỉ biết nhau chút chút trước đó, hình thành một đoàn “chịu đựng” nhau trong 10 ngày. 

Ba tháng chuẩn bị trôi qua rất nhanh, hầu như không ngày nào không có tin nhắn của nhóm chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị thể lực, mua sắm đồ đạc (khá nhiều, bởi lẽ điểm đến khá lạnh, nếu lên đỉnh núi có thể âm 15 độ), xin visa, mua bảo hiểm, thuốc men v.v. Duy nhất một thứ biết trước mà không chuẩn bị được, trừ việc mua thuốc, đó là đương đầu với AMS.

AMS là viết tắt của acute mountain sickness, nôm na là say độ cao. Biểu hiện của chứng này đa dạng, từ nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, đến trường hợp nặng có thể gây xuất huyết não. AMS có thể xuất hiện ở độ cao trên 2500 mét, phổ biến hơn ở độ cao trên 3500 mét, 20% dân số thế giới có thể mắc chứng này. AMS phổ biến ở nam hơn nữ. Điều kỳ quái của AMS là không thể rèn luyện thể lực để đối phó với AMS, vận động viên chuyên nghiệp vẫn có thể bị AMS, trong khi “bánh bèo” có thể lại miễn nhiễm với chứng này. Nói kỹ về AMS, vì rồi tôi sẽ là nạn nhân của nó, và vì vậy không thể summit (lên đỉnh).

Ngày khởi hành đến, sau năm tiếng bay từ Sài Gòn đến Delhi, chúng tôi vạ vật sân bay Delhi tầm sáu tiếng trước khi nối chuyến đến Leh. Thời gian bay tới Leh chỉ hơn một tiếng, nhưng chúng tôi phải ngồi trên máy bay mất gần một tiếng nữa vì sân bay Leh rất nhỏ, phải đợi có chiếc cất cánh máy bay chúng tôi mới vào được sân đỗ.

Có lẽ tôi và các bạn đồng hành chưa bao giờ chăm chú theo dõi độ cao từng điểm đến như trong chuyến đi này. Khi cơ trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi thấy một điều thú vị là độ cao đo được theo đồng hồ Garrmin của mình từ 2900 mét tăng dần lên 3500 mét khi đáp. 3500 mét chính là độ cao của Leh, thành phố thủ phủ Ladakh. Từ Leh, chúng tôi sẽ lên điểm cắm trại đầu tiên gần hồ Tso Moriri, làng Karzok, độ cao 4.500 mét. Sau đó, sẽ trek lên điểm hạ trại thứ hai ở chân núi Mentok Kangri, độ cao 5.200 mét. Cuối cùng, đỉnh Mentok Kangri, đích đến cuối cùng của đoàn, có độ cao 6.250 mét. Đoàn sẽ có bảy ngày làm quen độ cao trước khi chinh phục đỉnh Mentok Kangri, tuy nhiên, rồi sẽ chỉ 5/16 thành viên trong đoàn chinh phục thành công đỉnh núi này.

Ngay buổi chiều đầu tiên đến Leh, sau bữa trưa no đẫy tại một nhà hàng Tibet mà tôi đã rất tự tin gọi một món đặc Ấn, chicken masala ăn cùng bánh naan, thì tôi thấy trong người lạ dần. Sau khi ghé thăm một tu viện nhỏ, quay về khách sạn, ngang căn bếp nồng mùi cà ri, thì tôi không kìm được nữa, lao vội vào phòng tắm nôn thốc nôn tháo. Cả đêm đầu tiên đó, tôi cho chó ăn chè tới sáu bảy bận, mặc dù những lần sau không còn chè nữa, chỉ nước suông, nhưng vẫn cho ra. Tới sáng hôm sau, tuy vẫn e ngại tác dụng phụ của thuốc chống AMS, tôi đành phải nuốt luôn hai viên. Cảm thấy khá hơn chút, nhưng trong lúc cả đoàn đi trekking nhẹ và chơi dù lượn, thì tôi nằm bẹp. Tôi nghĩ thầm trong bụng, kiểu này chắc phải ở lại Leh tĩnh dưỡng suốt 5 ngày tới, trong lúc chờ đoàn leo núi rồi quay về. May thay, sáng ngày thứ ba, nhờ thuốc mà tôi khá hơn nhiều, cùng đoàn tiếp tục hành trình.

Đường từ Leh đến làng Karzok, điểm hạ trại đầu tiên, khoảng 220km. Hai phần ba đầu, đường tuy hẹp, mỗi bên chỉ một làn xe, nhưng mặt đường còn được trải nhựa tương đối tốt. Càng đi, càng vắng bóng dân cư, vắng bóng cả cây, chỉ lác đác doanh trại quân đội dọc theo những triền núi đá. Con đường ngoằn nghèo chạy trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, một bên là núi đá với kết cấu không bền vững, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, một bên là dòng suối hối hả, chảy xiết. Con đường thách thức thần kinh tài xế và du khách này là một phiên bản hard core gấp đôi, gấp ba chặng đường Mèo Vạc - Hà Giang qua đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Trên đường, có nhiều bảng tuyên truyền giao thông khá duyên dáng, tôi chép lại cho quan chức đường bộ nước ta tham khảo:

Speed thrills but kills (Tốc độ thì hấp dẫn, nhưng chết cũng nhanh lắm)

Fast drive could be last mile (Lái nhanh cho cố, tới số)

Donate blood but not on road (Hiến máu đáng tuyên dương, nhưng đừng hiến trên đường)

Feel the curves, don’t hug them ( Cảm nhận đường cong, chớ có ôm chầm)

Drive don’t fly (Chạy, đừng bay)

On the bend go slow friend ( Vô cua chậm nha bồ)

Drive on horsepower not on rum power (Lái xe nhờ mã lực, chớ không phải tửu lực)

If you sleep your family will weep (Nếu bạn buồn ngủ gia đình bạn lãnh đủ)

Road is hilly don’t drive silly ( Đường đèo dốc đừng lái như thằng ngốc)

You booze you cruise you lose (Nhậu rồi phóng là chán sống)

Accident brings tears safety brings cheers (An toàn cả nhà vui, tai nan lệ tuôn rơi)

Over speed is a knife that cuts life (Lái quá tốc độ là dao cắt cổ)

Fast won’t last (Nhanh thì không bền)

Better late than never (Thà muộn còn hơn không bao giờ)

Alert today alive tomorrow (Hôm nay cẩn trọng để ngày mai còn sống)

Một phần ba sau, đường không còn là đường, nhiều lúc có cảm giác tài xế chỉ nhắm hướng mà chạy. Hình như lâu rồi tài xế mới chạy lại con đường này, nên anh đã lạc đường đến ba, bốn lần. Mỗi lần anh phát hiện ra mình lạc đường, de xe, quay đầu, nhất là khi trời đã tối, là tim tôi lại nhộn nhạo. Mặt đường lồi lõm như bề mặt mặt trăng, lỡ sa xuống hố thì không biết qua đêm ở đâu, nhất là khi càng lúc trời càng lạnh.

Hơn 8 giờ tối, chúng tôi cũng tới được bãi trại. Lều đã được dựng rồi, nhưng mệt nhoài và lạnh, nên dẫu đói, chúng tôi cũng chỉ nuốt qua loa bữa tối muộn rồi lăn ra ngủ trong tiếng gió ầm ào. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe thấy tiếng lục lạc lanh canh khi xa khi gần, đôi lúc lại nghe như có tiếng chuông chùa ngân rung trong sương đêm.

Sáng hôm sau, nắng lên từ rất sớm, chui ra khỏi lều, chúng tôi mới bắt đầu chiêm ngưỡng phong cảnh chung quanh. A ha, chúng tôi đang trên dãy Himalaya, những túp lều vàng của nhóm chúng tôi nằm rải rác trên một bãi cỏ xanh, bên dòng suối thì thào tuôn chảy. Dọc theo suối, lác đác những cụm hoa vàng li ti. Bên kia suối, vài chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ - tác giả những tiếng lục lạc trong đêm đây rồi. Vây quanh chúng tôi là núi đá. Thì ra, đây là một thung lũng, hèn nào đêm gió lùa rất ghê. Ngày hôm đó, vẫn uống thuốc chống AMS, phục hồi phần nào công lực, tôi bám theo đoàn trek nhẹ nhàng về hồ Tso Moriri, hồ nước mặn trên cao lớn nhất Ấn Độ. Trong vài ngày sau đó, chúng tôi còn có nhiều dịp ngắm hồ từ các độ cao khác nhau.

Ngày kế tiếp, chúng tôi nhổ trại và bắt đầu leo lên base camp nằm ở độ cao 5.200 mét. Quãng đường từ trại thứ nhất tới trại thứ hai chỉ hơn 7 cây số và độ dốc tăng thêm 700 mét, nhưng ngốn mất của tôi tám tiếng đồng hồ. Các bạn đi khỏe hơn trong đoàn mất sáu tiếng, nhưng cũng có vài bạn khác mất tới 11 tiếng. Riêng trong buổi chiều, đồng hồ tôi đo được quãng đường di chuyển là 2.5km, độ dốc 330 mét, thế mà tôi đi mất 4 tiếng 50 phút. Thường, khi chạy ở núi Dinh chẳng hạn, thì với quãng đường và độ dốc tương đương, tôi chạy khoảng 25-30 phút. Gần như trên chặng trek này, cứ bước chừng chục bước là tôi đứng thở một, hai phút. Lên tới base camp, tôi không còn chút sức lực nào. Bạn cùng nhà, đã lên tới base camp trước tôi hai tiếng, hỏi tôi mấy câu, mất nửa tiếng sau tôi mới đủ hơi để trả lời. Tôi biết mình nên dừng chân ở đây. Cơ thể tôi tuy có nhồi thuốc nhưng vẫn không thích nghi kịp với độ cao. Ở độ cao trên 5.200 mét này, sức lực tôi chỉ còn tầm 1/10 bình thường, chỉ cần loay hoay đóng cửa lều, hay ngồi xuống đứng lên (vâng, là nói tới khâu đó) đã thở hồng hộc, đi từ lều mình tới lều ăn phải dừng lại thở hai, ba lần, nên chuyện chinh phục đỉnh Mentok Kangri 6.250 mét là chuyện quá xa vời. Vả chăng, nhìn lại, tôi thấy mình đã không chuẩn bị nghiêm túc cho việc leo núi, thật ra thì tôi chẳng biết gì về leo núi cả, trong đầu tôi chỉ nghĩ đây là một chuyến trekking.

10/16 thành viên trong đoàn rồi sẽ băng vào màn đêm giá buốt với nỗ lực summit. Một nửa trong số đó phải quay về sau 1/3 hay 1/2 quãng đường vì những lý do khác nhau. Chỉ 5 thành viên summit thành công. Đó là một nỗ lực phi thường.

Buổi sáng ngày summit, khi các bạn mình đang loay hoay đâu đó trên đường chinh phục Mentok Kangri, tôi dậy sớm, lấy một tách trà nóng ôm trong tay rồi ngồi trên một tảng đá thừ người ngắm hồ Tso Moriri. Hôm ấy trời nhiều mây hơn mấy hôm trước, mãi mà mặt trời chỉ có thể yếu ớt rọi vài tia sáng qua những áng mây dày. Bên kia hồ, những dãy núi đá, trên đỉnh phủ tuyết trắng xóa, có độ lồi lõm khác nhau, tạo thành những mảng khối màu đậm nhạt đan xen, trông như những nhát cọ của một họa sĩ thiên tài. Phía trái dãy núi lại chạy đổ dài xuống mép hồ, mở ra một khoảng rộng trông từ xa không khác gì một bãi biển. Mặt hồ Tso Moriri tuyệt đối tĩnh lặng. Từ độ cao này, nhìn mặt hồ không chút gợn sóng, rõ ràng là một tấm gương khổng lồ in hình rặng núi tuyết phía sau. Vẻ huy hoàng tráng lệ của dãy núi, sự tĩnh lặng tuyệt đối của gương hồ, cái đẹp của thiên nhiên vĩ đại làm choáng ngợp tôi, chiếm hữu tôi, làm tôi như nghẹt thở. Bất giác, tôi thấy mình ứa nước mắt.

Chuyến đi rồi sẽ kết thúc. Chúng tôi rồi sẽ trở về với thế giới có nước nóng để tắm, có toa lét đàng hoàng, có kết nối Internet. Qua chuyến đi này, dù có lên đỉnh thành công hay không, tôi tin mỗi người trong chúng tôi sẽ tìm thấy những ý nghĩa khác nhau. Với tôi, những giờ phút ngắm hồ, ngắm núi, hít thở không khí tuyệt đối trong trẻo trên dãy Himalaya đã là một trong những giờ phút lãng mạn nhất của đời mình.

(Vài dòng gõ trên điện thoại trong lúc vật vờ tại sân bay Delhi.)

 

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Đọc một bài thơ

Đọc một bài thơ

Tôi có một thằng em. Tôi không nói tên nó đâu nhưng nó làm thầy giáo mà lại khổ, khổ thật hay khổ vờ không chắc, nhưng cứ tạm gọi nó là giáo khổ. Giáo khổ thỉnh thoảng hỏi những câu làm tôi đớ người ra. Nhiều hôm đang bận bỏ mẹ nó nhắn tin, anh ơi câu này, đoạn này hiểu thế nào, dịch thế nào. Tôi nhòm vào thấy một đoạn tiếng Anh rất hard core, nó không hiểu được thì tôi cũng chả hiểu, hoặc muốn hiểu phải bỏ thời gian nghiên cứu, tâm tư, mà tất nhiên ấy là việc bọn tư bản không thích.
Nhưng hôm nay, giữa lúc tôi đang xì chét, nó nhắn cho tôi một khổ thơ, anh ơi đoạn này hiểu thế nào. Đoạn ấy như sau:
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason
Cậu ấy đang bí chỗ I was ripe for treason – tôi đang chín muồi cho sự phản bội, thế là thế nào. Cố nhiên tôi cũng chả hiểu gì. Nhưng tò mò, tôi bảo gửi tôi nguyên bài xem:
Trust me spring is very near
All the buds are swelling
All the glory of the year
In those buds is dwelling
What the open buds reveal
Tells us—life is flowing;
What the buds, still shut, conceal,
We shall end in knowing.
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason.
Now no more I doubt or wait
All my fears are vanished,
Summer’s coming dear, though late,
Fogs and frosts are banished.
Đó là một bài thơ của James Clerk Maxwell, một nhà vật lý hay toán học gì đấy.
Tôi đọc bài thơ năm, bảy lần, rồi nhắn cho cậu giáo khổ:
Anh hiểu đây như là một bài thơ ca ngợi bí mật của sự sống. Key words nằm ở đoạn 2, những chồi non bung ra thì cho ta biết cuộc sống đang sinh sôi, nhưng những chồi chưa bung che giấu những gì thì phải đến tận cùng ta mới biết. “End in knowing” có thể là tận cùng mới biết, mà cũng có thể biết là hết, là không còn bí mật nữa. Do vậy sang đoạn ba mới có đoạn lưu luyến với chồi non, ngờ vực thay đổi của mùa, của thời gian. “Ripe for treason” chắc hẳn là mong muốn chống lại quy luật của thời gian, vì nếu thời gian cứ trôi đi thì chồi sẽ bung ra, không còn bí mật gì nữa. Ở đoạn kết, mùa hè tới, thì không còn gì nữa rồi, bung bét cả. Kết luận: Đời chỉ đẹp khi còn bí mật, cũng như tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Tất nhiên đấy là cách hiểu của tôi. Mỗi tác phẩm lớn đều mở đường cho nhiều cách hiểu khác nhau.
Hiểu được bài thơ, tôi cảm thấy khoan khoái chi lạ, nên đã toan dịch. Cậu giáo khổ đẩy đưa, anh dịch đi, em trợ hứng anh bằng chai vang. Tôi gõ luôn. Bản dịch đầu tiên như sau:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao vinh quang năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Giấu điều chi biết đâu nào.
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Có chuyển mùa hay là không
Giá băng khiến anh dễ chịu
Chẳng đành bỏ lại mùa đông
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Tạm xong, nhưng chưa hài lòng, bởi hai câu cuối khổ ba, thoát ý quá và trở thành diễn dịch của tôi rõ quá. Ăn trưa xong, tôi sửa lại. Có tí cơm trong bụng nó khác:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao huy hoàng năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Tận cùng mới tỏ ra sao
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Nghi ngại chuyển mùa hay không
Giá băng khiến anh êm ái
Đã nuôi bội phản trong lòng
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Lần này, thì tôi hài lòng vì hai câu cuối khổ ba bám sát được nguyên tác hơn, mà vẫn giữ nguyên sự khó hiểu của nó.
Chẳng có bản dịch nào hoàn hảo, huống hồ một bản dịch chơi. Nhưng trò chơi hôm nay khiến tôi cực kỳ khoan khoái. Nên chia sẻ.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Chạy marathon ở Côn Đảo

Trước giải Tiền Phong năm nay, Côn Đảo là nơi mình đã đến hai lần và đã say đắm với biển, rừng nơi đây. Mình mê con đường ven biển của Côn Đảo cũng như mê đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang nên tâm niệm rằng khi nào có một giải marathon ở Côn Đảo thì mình nhất định phải tham gia. Do vậy, khi Tiền Phong công bố giải năm nay tổ chức ở Côn Đảo thì mình đã mau chóng đặt vé máy bay và khách sạn trước cả khi mua BIB, cho dù trước giải 2 tuần thì mình có chuyến đi Sơn Đoòng cũng không thể bỏ lỡ. Với tình hình Covid tràn lan như hiện tại thì mình sẵn sàng tâm trạng dính bất cứ lúc nào, nhưng cũng khấn thầm em Vy né mình chuyến đi Sơn Đoòng và Côn Đảo. Rốt cuộc thì chắc do quên khấn chị Sáu nên mình bị em Vy ghé thăm trong lúc đi Sơn Đoòng và chỉ kịp âm tính một tuần trước khi chạy marathon ở Côn Đảo. Trong tuần cuối trước giải, lẽ ra phải taper (giảm khối lượng chạy) thì mình phải chạy như bình thường mỗi ngày 10km để lấy lại cảm giác, phục hồi tim, phổi. Dẫu vậy, hậu Covid tuy mình cảm thấy khỏe nhưng khi chạy tim vẫn cao hơn trước đó tầm 15 nhịp.

Buổi chiều trước khi chạy giải, mình lấy xe máy đánh một vòng khảo sát đường chạy xem thử thế nào. Sau khoảng 7-8 km vòng vèo trong thị trấn, thì cung đường marathon bắt đầu chạy dọc theo biển ra hướng Bến Đầm, chạy ven biển, rồi theo cung đường mới mở ôm qua rừng quốc gia. 30km đầu, cung đường chạy tuyệt đẹp, có lên dốc nhưng cũng có xuống dốc. Mình chắc mẩm có thể tăng tốc khi xuống dốc để bù giảm tốc lúc lên dốc. Ngồi trên xe máy, mình thấy dốc chỉ thoai thoải, nghĩ sẽ không phải là vấn đề lớn vì mình đã thường xuyên chạy cầu Sài Gòn và Thời Đại rồi. Tất nhiên đó sẽ là một sai lầm, bởi khi đã chạy hai mấy cây số trên xe hai cẳng khi trời nắng lên, sẽ rất khác khi chạy xe hai bánh khi chiều xuống và nắng đã tắt. 12km cuối của cung đường marathon sẽ chạy trong thị trấn, không còn dốc nên mình nghĩ sẽ ổn, nhưng đó sẽ là một nhận định sai lầm khác.

Sáng chủ nhật, ngày chạy, cảm nhận nhiệt độ tại vạch xuất phát khá cao, có lẽ do trời đứng gió. Tuy nhiên, khi bắt đầu chạy, và suốt khoảng 2 tiếng rưỡi đầu, do có mây nên mình nghĩ cũng được đấy, thời tiết không tệ như Lý Sơn cách đây 2 năm. Từ km số 8 đến km27, mình đã xơi các con dốc khá nhẹ nhàng, hầu như không giảm tốc mấy, trong khi đó lợi dụng một quãng xổ dốc dài, mình đã bung lụa vượt khá nhiều "đồng rân". Km 28-29, một con dốc dài hiện ra như không bao giờ dứt, hầu hết vận động viên phong trào chuyển sang đi bộ. Đây là con dốc mà chiều hôm trước ngồi xe hai bánh mình thấy chỉ thoai thoải! Dẫu vậy, mình vẫn có thể không phải đi bộ hoàn toàn, mà chạy và đi bộ xen kẽ, và sau đó ở km 30 xuống dốc cực gắt, thì mình đã phóng như bay. Tuy nhiên, câu chuyện đẹp kết thúc tại đây, bởi ở km 32 huyền thoại, tuy không còn dốc lên hay xuống, mình cũng không bị chuột rút như nhiều bạn khác, nhưng tự dưng mình thấy hết sức.

Nếu đã đến Côn Đảo, bạn sẽ thấy đó là một thị trấn xinh đẹp với những con đường với những hàng cây đẹp. Nhưng không hiểu sao, ban tổ chức cho chạy những km cuối trên những con đường mới mở tuyệt nhiên không bóng cây. Khi chạy quãng cây số 37-38 trên con đường ôm hồ nước Quang Trung rồi dọc theo hồ sen An Hải, mình có cảm giác như đó là con đường xuống địa ngục, bởi mặt trời thì chói chang trên đầu, mà đường chạy thì cứ như không bao giờ hết. Rốt cuộc, thì dẫu xuống sức nhiều vì những con dốc trước đó và vì nắng gắt, mình vẫn kịp chỉnh đốn trang phục để về đích trong 4 giờ 15 phút. Tuy không lập kỷ lục cá nhân, nhưng đây vẫn là thành tích marathon tốt thứ hai của mình. Với cung đường dốc, nắng như thế, đây là thành tích không quá tệ, nhất là khi mình có quá nhiều ảnh đẹp, không thể đòi hỏi gì hơn.

Anh Đoàn Ngọc Hải có viết một bài phê ban tổ chức giải rất căng, trong đó có ý chỉ trích ban tổ chức chọn con đường dốc quá, và giờ xuất phát quá trễ, có thể gây nguy hiểm cho vận động viên vì sốc nắng. Mình thì thấy đường dốc là một phần của cuộc chơi. Nếu chọn những con đường phẳng hơn, thì sẽ không thể chạy trên con đường tuyệt đẹp ven biển và xuyên rừng quốc gia. Tất nhiên, nếu có thể xuất phát sớm hơn thì tốt, nhưng không rõ hệ thống đèn đường Côn Đảo có đáp ứng được không. Xuất phát lúc 4:30 mà có những đoạn bọn mình đã phải chạy trong bóng tối hoàn toàn.

Về công tác tổ chức, mình thấy có khá nhiều vấn đề: thứ nhất, là nước uống rất nhiều nhưng được sử dụng rất lãng phí; thay vì có cốc nước cho vận động viên sử dụng, thì cứ đưa nguyên chai, vận động viên chỉ hớp một chút rồi phải quăng đi, không thể mang theo người được; thứ hai, rất thiếu toa lét tại điểm xuất phát cũng như toa lét di động dọc đường; thứ ba, thiếu hỗ trợ về y tế, những người chạy trên 5 giờ đều than là không còn xịt lạnh, cá nhân mình thấy trên quãng đường rực nắng dọc hồ Quang Trung, có nhiều vận động viên bị chuột rút lăn ra đường nhưng không có y tế, một anh bạn mình chạy marathon lần đầu, về đích gần như ngất cũng không ai hỗ trợ; thứ tư, dù bất cứ lý do gì, mà nợ huy chương finisher với vận động viên là rất chán; thứ năm, khu vực đích đến không có lều cho vận động viên nghỉ ngơi, toàn phải ngồi dưới đất và phơi nắng, mình về đích hỏi nước điện giải thì không còn. Điểm sáng, có lẽ là các nhiếp ảnh gia không ngại phơi nắng để chụp hình cho các vận động viên những tấm ảnh đẹp, ảnh được đưa lên mạng rất nhanh, và sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên ở các điểm tiếp nước.

Dù sao đi nữa, một năm tan hoang vì Covid không có giải chạy nào, giờ được chạy trở lại, được hòa mình vào không khí tưng bừng trước giờ xuất phát, được họp mặt xôm tụ với bạn chạy, được thưởng thức những cốc bia lạnh sau khi hành xác, được ngắm ảnh đẹp khi về nhà, giải chạy Côn Đảo vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời.
 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Đi họp phụ huynh

Sáng thứ bảy bị vợ đùn đi họp phụ huynh cho con gái. Vẫn hoàn thành cữ chạy buổi sáng, nhưng thay vì ung dung ăn sáng uống cà phê thì chàng vắt chân lên cổ để đến trường cho kịp giờ. Trường mới của con nội quy khó khăn lắm, con đi học trễ hai phút cũng bị trừ điểm hạnh kiểm, ấy là còn đi xe đưa rước. Sợ đi họp phụ huynh mà trễ bị trừ điểm hạnh kiểm thì nguy. Vì vậy 8 giờ họp 7:59 chàng đã đua tới cổng trường. Vào đến lớp thì tròn 8 giờ, chàng hồ hởi nhủ thầm: giờ có trừ điểm hạnh kiểm tôi bằng mắt! Nhưng hóa ra, cô giáo vẫn chờ các phụ huynh khác, đến 8:15 mới chính thức bắt đầu.

Yên vị rồi, chàng bắt đầu thấy khát. Do 12 km bào cầu Sài Gòn buổi sáng đây. Thường, khi chạy hằng ngày chàng không uống nước, chỉ bù nước sau khi chạy. Sáng nay vội quá, không uống đủ nước rồi. Nhìn quanh, nhìn quất, chẳng có chai nước nào trên bàn. Liếc ra góc phòng, thấy có bình nước chắc dành cho học sinh, nhưng chẳng có cái ly nào cả, chàng đành nuốt nước bọt nhìn cô giáo phổ biến nội quy. Cái này thì chàng biết rồi: không được nghỉ học vào trước hay sau lễ (đã có kinh nghiệm cay đắng khi xin cho con nghỉ học ngày 31/12), không được nhuộm tóc (nhỡ tóc vàng sẵn thì phải báo cáo từ trước), không được xăm (chúng nó xăm vào mông thì kiểm tra kiểu gì), không được mang ba lô (chỉ được mang cặp táp có quai giống ba lô), không được để chai nước trên bàn (con gái báo cáo: con toàn để nước dưới chân bàn, mà công nhận đi rất dễ đá phải)....

Xong phần phổ biến nội quy, cô giáo báo cáo kết quả học tập. Lớp có 31 em, 30 em đạt học sinh giỏi, 1 em loại khá. Chàng lẩm bẩm: chúng mày ăn gì mà giỏi thế, thời của bố mày, trầy vi tróc vẩy mới được trung bình trên tám phẩy nhé, cả khối 12 chỉ mình bố mày được thôi. Đang hồi tưởng quá khứ huy hoàng đồng thời hoài nghi thực chất dạy và học của các cô và các cháu, chàng chợt thấy một vị phụ huynh bàn đầu phát biểu dõng dạc: các cháu học thế là tốt, nhưng sang học kỳ 2 các cháu phải phấn đấu 100% học sinh giỏi. Các phụ huynh khác gật gù tán đồng. Chàng len lét cúi đầu, vẫn nhớ ra mình đang khát.

Xong phần báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, sang phần của đại diện hội cha mẹ học sinh. May thay, phần này nhanh, gọn, nhẹ, bởi nội dung chỉ thông báo các khoản tiền cần đóng. Hội nghị nhanh chóng đồng thuận. Ai sao mình vậy, chàng không thắc mắc gì.

Tối hôm trước con gái đã dặn: ba đừng làm cho con bị chú ý đấy nhé. Thế nên, chàng nín thinh suốt buổi, không phát biểu câu nào. Kết thúc buổi họp, ra về, cả hạnh kiểm và đức hạnh của chàng vẫn còn nguyên vẹn.

 


Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Bánh mì kẹp và Ocean Vương

Như một số người có thể đã biết, và một số người khác có thể chưa biết, tôi thích ăn bánh mì kẹp. Tôi thích ăn bánh mì kẹp tất nhiên vì cái tổng thể của vỏ bánh giòn, pa tê đậm vị, ngò thơm, đồ chua tất nhiên chua và thịt nguội tất nhiên nguội, nhưng hơn hết tôi thích bánh mì kẹp vì những miếng ớt nhỏ nằm lẩn quất đâu đó. Ai đó sẽ bảo thích ăn ớt thì cứ việc ăn, việc gì cứ phải bánh mì kẹp mới có ớt. Không, vấn đề không phải là vị cay của ớt, mà vấn đề là sự bất ngờ. Mấy miếng ớt xắt, cố thủ đâu đó giữa dưa leo và chả lụa, hoặc giữa mấy sợi cà rốt chua xà nẹo nhau, hoặc tinh tế mắc vào mép trái cọng ngò, ở những vị trí ngẫu nhiên và không thể dự đoán. Ờ, cố nhiên là ta biết ở trỏng có ớt, ta chỉ không biết nó ở đâu. Để rồi, khi ta cắn phập ổ bánh mì một phát, phát đầu có thể chưa thấy gì, nhưng phát thứ hai, hay phát thứ ba, một vị cay thình lình làm ta xé lưỡi, xộc lên óc, rồi vừa nhai vừa hít hà. Sướng là ở đó.

Nói về sướng, trong buổi nói chuyện của Ocean Vương, Ocean có nói ý như thế này khi một bạn hỏi về chuyện hiểu một bài thơ. Khi bạn đọc một bài thơ mà bạn thấy sướng, nghĩa là bạn đã hiểu bài thơ rồi. Chẳng phải bạn đến với thơ ca hay nghệ thuật nói chung là để sướng sao. Bạn không cần phải phân tích được cái sướng, ai đem phân chất một mùi hương (ref: Xuân Diệu)?

Ocean Vương còn nói thế này về việc đọc và viết, khi có một thính giả hỏi bạn ấy viết như thế nào, làm thế nào để biết mình bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu, là bạn ấy tránh những mẫu hình có sẵn, có mở đầu, phát triển, cao trào, kết thúc, và tìm cách kể một câu chuyện theo cách riêng của mình, có "dấu vân tay" của mình. Quan trọng không phải kể cái gì mà kể như thế nào. Khi đọc cũng thế, một tác phẩm giữ chân được người đọc là một tác phẩm có thể mang đến sự bất ngờ. Cả đọc cả viết đều cần tránh những công thức.

Về sự bất ngờ, ngày xưa Bàn Tải Cân đã viết trong câu thơ trác tuyệt: "Thơ hay ở chỗ bất ngờ". Dĩ nhiên, Bàn Tải Cân sẽ không phải là Bàn Tải Cân nếu câu bát không bất ngờ thế này: "Người hay ở chỗ đêm mơ xuất tình."

Tới đây dừng bất thình lình.

 

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

[Religion - English] Some concepts for later reference

goodness (thiện 善)

evil (ác 惡)

doing good (vi thiện 為善)
accumulated goodness (tích thiện 積善)
stimulus response (cảm ứng 感應)
numinous response (linh ứng 靈應)
hidden virtue (âm công 陰功)
hidden merit (âm đức 陰德)
hidden blessings (âm chất 陰)
recompense (báo 報)
manifest recompense (dương báo 陽報)
karma (nghiệp báo 業報, quả báo 果報, nhân quả 因果)
karmic connection (duyên 緣)
past-life karmic connection (túc duyên 夙緣)
former connection (tiền duyên 先緣)
binding karmic connections (kết duyên 結緣)
causal affinity or causal connection (nhân duyên 因緣)
netherworld connection (âm duyên 陰緣)
to tie-up karmic connections (kết duyên 結緣)
to pray for karmic connection (cầu duyên 求緣)
abundance of blessings (dư khánh 餘慶)
disaster (tai họa 災禍)

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Example of fine writing (3) - Olga Tokarczuk

Đoạn dưới đây trích từ cuốn Drive Your Plow Over the Bones of the Dead của Olga Tokarczuk, nhà văn nữ người Ba Lan, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2018, bản dịch tiếng Anh của Antonia Lloyd-Jones:
"I have always regarded the feet as the most intimate and personal part of our bodies, and not the genitals, not the heart, or even the brain, organs of no great significance that are too highly valued. It is in the feet that all knowledge of Mankind lies hidden; the body sends them a weighty sense of who we really are and how we relate to the earth. It's in the touch of the earth, at its point of contact with the body that the whole mystery is located - the fact that we're built of elements of matter, while also being alien to it, separated from it. The feet - those are our plugs into the socket."


Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Mùi hương đoạt mệnh

Có lần tôi từng phát hiện ra Hoàng Cầm là nhà thơ “màu mè” nhất Việt Nam, nhờ vào bảng màu khổng lồ của ông trong tập Về Kinh Bắc. Còn khi đọc kỹ Tiếng ca bộ lạc của Đinh Hùng, tôi có thể kết luận ông là nhà thơ có cái mũi tinh nhất Việt Nam, bằng vào tần suất mùi hương trong tập này.

Tiếng ca bộ lạc có 30 bài. 26/30 bài có nhắc tới “hương”. Bốn bài không có chữ hương là: Lăng kính, Hình em giả tưởng (Trăng hồng thủy), Tiếng sao tiền định, và Cuồng vọng tình nhân.

Trong 26 bài còn lại, chữ “hương” được dùng 48 lần. Đó là chưa kể tới chữ “thơm”, cũng được dùng tới 9 lần. Nếu không phải tinh mũi lắm, thì ắt là nhà thơ ám ảnh với mùi hương, hay ám ảnh một cô gái nào đó tên Hương. Ám ảnh đến nỗi mùi hương có thể trở thành mùi hương đoạt mệnh (giống như trong truyện kiếm hiệp Tàu).

Đây là tất cả câu thơ có “hương” trong Tiếng ca bộ lạc:

hương tà áo xanh tiền kiếp,

Ngọc sáng hồn hương, phách thủy tinh.

Phấn hương nào thổn thức

Vị hoa còn ngọt làn môi.

Hương em thấm khắp người tôi còn nồng.

Nhụy hương một phút nghìn đời trao nhau

Xin nâng sóng tóc, thu gầy chìm hương.

Vành mây còn rộng lối hương bay.

Níu mùi dạ hương trong hơi thở,

Có những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ,

Những mùi hương rạo rực hiện hình người.

Hương công chúa và men say hoàng tử,

Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông lơi.

Ôi những làn môi ngọc lan

hương nhụy dương cầm thức giấc

Ngậm ngùi dư vị làn môi,

Đừng cho anh nhớ nụ cười trầm hương.

Xin hồn hoa trắng dung nhan,

Đừng ngăn biên giới cung đàn hương bay.

Lệ nào kết ngọc trong hoa?

Đóa hôn thần khải chưa nhòa sắc hương.

Lạc loài tinh thể sao bay,

Trái-Tim-Xuân kết hương đầy tóc xanh.

Đàn lên vút phím da sầu đảo,

Giấc ngủ hương chìm thể phách xưa.

Khi đêm mở cánh nhung thần khải,

Tóc ngủ rừng trăng, gối xõa hương.

Anh muốn nhìn trăng sáng rợn hồn

Mùi hương Lục Tỉnh ướt môi hôn.

Sông trắng mây vàng, hương tóc xanh

Xin Em một chút mây đồng nội

Chen lẫn hương thầm mái tóc say.

Anh giấu niềm đau trong rừng trầm hương mái tóc

Nghe mỗi tế bào tiếp nhận mùa xuân

Và tìm dư âm bước chuyển thời gian

trên nụ cười buồn

say ngất hương thu

Ôi những mùi hương sắp lãng quên,

Và Em chưa thực đã hư huyền!

Nhòa hương nấm độc da hồng tuyết,

Nghe thủy triều dâng mỗi đốt xương.

Mùi hương thoảng gót chân hoài niệm,

Thương nhớ từ đâu bỗng hiện hình

Xin cảm tạ Em

Đã góp hương thơm bàn tay châu báu

Những âm thanh bỗng lênh đênh mùi hương dạ hợp,

Những sắc màu cũng rạo rực lời ca mưa bay.

hương Em ru giấc ngủ sông dài,

Ôi hiện tại! xin đừng là mộng ảo,

Cho tôi tìm dĩ vãng một mùi hương,

Em đến cùng hoa, đi với hương,

Mùi hương đoạt mệnh, gió quên đường

Cuồng loạn âm giai má hải đường,

Gọi nhau say chết giữa mùi hương.

Em đến, vầng trăng bỗng tỏa hương,

Giấy mực thơm nồng hương tóc em,

Thịt da hương phấn ngây dòng mực,

Tay run điệu múa hương rừng thẳm,

Biển vọng hồi âm ngấn mắt xanh.

Ngào ngạt hương tay ngọt vị đàn.

Lụa trời, tơ mỏng, hương phai,

Mây hoàng kim, gió sơ khai kề gần.

Nếp xiêm Ngụy Tử hương vàng

Kề môi ngờ đóa hồng trang giận hờn

Kề hương, nghe nhạc run từng bước,

Sao rụng từ lưng xuống gót chân.

Lung linh hương tóc sầu bao kiếp,

Và mấy mùa xuân lạc kiếp Tiên?

Hương bay từ giấc mê dài,

Hư vô cùng vết son phai lớn dần

Vòng tay chiếm lĩnh nửa người,

Nhụy hương mười chín, nụ cười yêu tinh.

Ta xé trang thơ, nức nở ân tình

Mộng tan nát Lầu Hương lên sắc dục.

Xin truyền nhau hơi thở dạ lan hương

Lòng xuân ấm như men xuân vừa đượm

Ta say gì? Chuếnh choáng với niên hoa.

Đôi tay mở đón mùi hương truyền kiếp,

 


Một năm chạy bộ

Một năm chạy bộ Người ta nói nhiều, rất nhiều về những điều tuyệt vời của chạy bộ. Người ta lại hiếm khi nói chạy bộ có thể tệ hại như thế n...