Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

[Religion - English] Some concepts for later reference

goodness (thiện 善)

evil (ác 惡)

doing good (vi thiện 為善)
accumulated goodness (tích thiện 積善)
stimulus response (cảm ứng 感應)
numinous response (linh ứng 靈應)
hidden virtue (âm công 陰功)
hidden merit (âm đức 陰德)
hidden blessings (âm chất 陰)
recompense (báo 報)
manifest recompense (dương báo 陽報)
karma (nghiệp báo 業報, quả báo 果報, nhân quả 因果)
karmic connection (duyên 緣)
past-life karmic connection (túc duyên 夙緣)
former connection (tiền duyên 先緣)
binding karmic connections (kết duyên 結緣)
causal affinity or causal connection (nhân duyên 因緣)
netherworld connection (âm duyên 陰緣)
to tie-up karmic connections (kết duyên 結緣)
to pray for karmic connection (cầu duyên 求緣)
abundance of blessings (dư khánh 餘慶)
disaster (tai họa 災禍)

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

Example of fine writing (3) - Olga Tokarczuk

Đoạn dưới đây trích từ cuốn Drive Your Plow Over the Bones of the Dead của Olga Tokarczuk, nhà văn nữ người Ba Lan, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2018, bản dịch tiếng Anh của Antonia Lloyd-Jones:
"I have always regarded the feet as the most intimate and personal part of our bodies, and not the genitals, not the heart, or even the brain, organs of no great significance that are too highly valued. It is in the feet that all knowledge of Mankind lies hidden; the body sends them a weighty sense of who we really are and how we relate to the earth. It's in the touch of the earth, at its point of contact with the body that the whole mystery is located - the fact that we're built of elements of matter, while also being alien to it, separated from it. The feet - those are our plugs into the socket."


Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Mùi hương đoạt mệnh

Có lần tôi từng phát hiện ra Hoàng Cầm là nhà thơ “màu mè” nhất Việt Nam, nhờ vào bảng màu khổng lồ của ông trong tập Về Kinh Bắc. Còn khi đọc kỹ Tiếng ca bộ lạc của Đinh Hùng, tôi có thể kết luận ông là nhà thơ có cái mũi tinh nhất Việt Nam, bằng vào tần suất mùi hương trong tập này.

Tiếng ca bộ lạc có 30 bài. 26/30 bài có nhắc tới “hương”. Bốn bài không có chữ hương là: Lăng kính, Hình em giả tưởng (Trăng hồng thủy), Tiếng sao tiền định, và Cuồng vọng tình nhân.

Trong 26 bài còn lại, chữ “hương” được dùng 48 lần. Đó là chưa kể tới chữ “thơm”, cũng được dùng tới 9 lần. Nếu không phải tinh mũi lắm, thì ắt là nhà thơ ám ảnh với mùi hương, hay ám ảnh một cô gái nào đó tên Hương. Ám ảnh đến nỗi mùi hương có thể trở thành mùi hương đoạt mệnh (giống như trong truyện kiếm hiệp Tàu).

Đây là tất cả câu thơ có “hương” trong Tiếng ca bộ lạc:

hương tà áo xanh tiền kiếp,

Ngọc sáng hồn hương, phách thủy tinh.

Phấn hương nào thổn thức

Vị hoa còn ngọt làn môi.

Hương em thấm khắp người tôi còn nồng.

Nhụy hương một phút nghìn đời trao nhau

Xin nâng sóng tóc, thu gầy chìm hương.

Vành mây còn rộng lối hương bay.

Níu mùi dạ hương trong hơi thở,

Có những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ,

Những mùi hương rạo rực hiện hình người.

Hương công chúa và men say hoàng tử,

Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông lơi.

Ôi những làn môi ngọc lan

hương nhụy dương cầm thức giấc

Ngậm ngùi dư vị làn môi,

Đừng cho anh nhớ nụ cười trầm hương.

Xin hồn hoa trắng dung nhan,

Đừng ngăn biên giới cung đàn hương bay.

Lệ nào kết ngọc trong hoa?

Đóa hôn thần khải chưa nhòa sắc hương.

Lạc loài tinh thể sao bay,

Trái-Tim-Xuân kết hương đầy tóc xanh.

Đàn lên vút phím da sầu đảo,

Giấc ngủ hương chìm thể phách xưa.

Khi đêm mở cánh nhung thần khải,

Tóc ngủ rừng trăng, gối xõa hương.

Anh muốn nhìn trăng sáng rợn hồn

Mùi hương Lục Tỉnh ướt môi hôn.

Sông trắng mây vàng, hương tóc xanh

Xin Em một chút mây đồng nội

Chen lẫn hương thầm mái tóc say.

Anh giấu niềm đau trong rừng trầm hương mái tóc

Nghe mỗi tế bào tiếp nhận mùa xuân

Và tìm dư âm bước chuyển thời gian

trên nụ cười buồn

say ngất hương thu

Ôi những mùi hương sắp lãng quên,

Và Em chưa thực đã hư huyền!

Nhòa hương nấm độc da hồng tuyết,

Nghe thủy triều dâng mỗi đốt xương.

Mùi hương thoảng gót chân hoài niệm,

Thương nhớ từ đâu bỗng hiện hình

Xin cảm tạ Em

Đã góp hương thơm bàn tay châu báu

Những âm thanh bỗng lênh đênh mùi hương dạ hợp,

Những sắc màu cũng rạo rực lời ca mưa bay.

hương Em ru giấc ngủ sông dài,

Ôi hiện tại! xin đừng là mộng ảo,

Cho tôi tìm dĩ vãng một mùi hương,

Em đến cùng hoa, đi với hương,

Mùi hương đoạt mệnh, gió quên đường

Cuồng loạn âm giai má hải đường,

Gọi nhau say chết giữa mùi hương.

Em đến, vầng trăng bỗng tỏa hương,

Giấy mực thơm nồng hương tóc em,

Thịt da hương phấn ngây dòng mực,

Tay run điệu múa hương rừng thẳm,

Biển vọng hồi âm ngấn mắt xanh.

Ngào ngạt hương tay ngọt vị đàn.

Lụa trời, tơ mỏng, hương phai,

Mây hoàng kim, gió sơ khai kề gần.

Nếp xiêm Ngụy Tử hương vàng

Kề môi ngờ đóa hồng trang giận hờn

Kề hương, nghe nhạc run từng bước,

Sao rụng từ lưng xuống gót chân.

Lung linh hương tóc sầu bao kiếp,

Và mấy mùa xuân lạc kiếp Tiên?

Hương bay từ giấc mê dài,

Hư vô cùng vết son phai lớn dần

Vòng tay chiếm lĩnh nửa người,

Nhụy hương mười chín, nụ cười yêu tinh.

Ta xé trang thơ, nức nở ân tình

Mộng tan nát Lầu Hương lên sắc dục.

Xin truyền nhau hơi thở dạ lan hương

Lòng xuân ấm như men xuân vừa đượm

Ta say gì? Chuếnh choáng với niên hoa.

Đôi tay mở đón mùi hương truyền kiếp,

 


Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Example of fine writing (2) - Clarice Lispector

Cuốn sách mỏng The Hour of the Star của Clarice Lispector làm tôi sửng sốt. Clarice Lispector là nhà văn Brazil. Bà sinh ra ở Ukraina và di cư sang Brazil từ nhỏ. Bà sinh năm 1925 và mất năm 1977. Bà được coi là một trong những nhà văn giàu ảnh hưởng nhất của Brazil. Đây là cuốn đầu tiên tôi đọc của bà. Tôi từng cầm lên cầm xuống một cuốn khác, The Passion according to GH, nhiều lần nhưng chưa thật sự bắt tay vào đọc. Không phải nó không hay, chỉ là chưa phải lúc. Đọc sách, quan trọng là đọc đúng lúc. Có rất nhiều sách trên đời, cũng có rất nhiều sách trong nhà, đọc cuốn nào vào thời điểm nào còn là duyên. Duyên đưa đẩy tôi đến cuốn sách mỏng này, vào những ngày có lẽ cuối cùng của đợt phong tỏa khắc nhiệt nhất quả đất.

Cuốn sách viết về một cô gái Brazil nghèo, xấu, ít học, một nhân vât bên lề xã hội. Cô chẳng có gì, ngoài một gã bạn trai cà chớn mà cô cũng mất nốt. Cuốn sách viết về cái gì, do vậy không phải là điều đáng kể, mà vấn đề là cuốn sách đã được viết như thế nào. Nó đã được viết trong sự giằng xé về sự viết. Vừa kể chuyện, người kể chuyện lại liên tục tự tra vấn, giằng xé chính mình, tại sao tôi viết như thế này, tại sao nhân vật tôi như thế này, tôi sắp sửa làm gì với nhân vật của tôi. Tác giả, thông qua người kể chuyện, như vậy không ngừng thông báo sự hiện diện của mình trong cuốn tiểu thuyết. Kỹ thuật này làm tôi nhớ tới Kundera và Sự bất tử. Nhưng Lispector viết cuốn này sớm hơn nhiều, quãng giữa thập kỷ 70.

Thật ra, tôi chỉ định copy đoạn mở đầu của cuốn sách, mà tôi thấy được viết rất tuyệt. Dĩ nhiên đây là bản dịch tiếng Anh. Bản gốc là tiếng Tây Ban Nha.

"Everything in the world began with a yes. One molecule said yes to another molecule and life was born. But before prehistory there was prehistory of prehistory and there was the never and there was the yes. It was ever so. I do not know why, but I do know that the universe began."

Còn đây là đoạn kết:

"And now - now it only remains for me to light a cigarette and go home. Dear God, only now am I remembering that people die. Does that include me?
Don't forget, in the meantime, that this is the season for strawberries. Yes."


Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Tản mạn những ngày AODOYD

Suốt những ngày ai ở đâu ở yên đó, trời Sài Gòn trong veo. Chỉ số ô nhiễm trên Air Visual thường xuyên xanh ngắt. Trên app, Sài Gòn xanh như Sydney, như Montreal, như London. Chiều chiều, sau giờ làm việc, tôi hay ra ngồi ban công. Nhìn sang các căn hộ khác, cũng có nhiều người ngồi ở ban công, những ban công vốn thường chỉ là nơi phơi quần áo.

Có tiếng đàn piano chập chững từ căn hộ nào đó vọng sang. Trước kia, hiếm khi nghe âm thanh từ hàng xóm. Một phần, có lẽ khu căn hộ này cách âm tương đối tốt, phần khác, khi bận rộn với những âm thanh của riêng mình, ta ít khi nghe được những âm thanh khác từ bên ngoài.

Đêm, côn trùng dường kêu to hơn. Hay có lẽ chúng cũng kêu to như bình thường - chúng chưa từng chịu đựng cảnh bị giam trong bốn bức tường - chỉ có đôi tai ta là nhạy cảm hơn. Có một lần, tôi choàng dậy vào nửa đêm vì tiếng côn trùng inh ỏi, vớ tay lấy điện thoại để ghi âm dàn hợp xướng côn trùng. Sáng dậy xem lại máy, thấy không có bản ghi âm nào cả. Hay ai đó đã thức dậy trong đêm, không phải tôi? Lẽ nào lũ côn trùng không có thật.

Cách đây hai hôm, sáng mới ngủ dậy, vận hết lòng dũng cảm, tôi đi bộ hơn hai trăm mét ra đầu ngõ. Lần đầu tiên sau hơn hai tháng tôi đi xa nhà tới thế. Nhìn tới lui không thấy bóng đồng phục nào, chỉ vài xe tải con chở hàng lao vun vút, tôi dấn thêm một chút, băng hẳn qua bên kia đường, tiến sát tới mé sông. Con sông còn đó, vẫn bồng bềnh chảy, vài cánh chim chao liệng trên mặt nước. Tôi hít một hơi dài không khí mát mẻ buổi sớm mai, rồi lại một hơi dài, một hơi dài nữa. Yên chí dòng sông vẫn còn đó, chưa bị mang đi cách ly tập trung, tôi khấp khởi trở về nhà.

Bạn nhắn tin, nói vừa được đặc cách đi một vòng thành phố. Những bậc thềm trước bưu điện trung tâm nơi khách du lịch thường chen chân check-in, học sinh cuối cấp hay tụ tập chụp ảnh lưu niệm, giờ phủ đầy rêu xanh, các khe đá cỏ mọc lún phún. Giãn cách thêm ít bữa, biết đâu cây mọc thành rừng, thú dữ về trú ngụ, bạn đùa. 

Vài hôm nữa, gặp nhau, ta sẽ nói gì?  Không biết giọng có cất lên thành tiếng, hay lời chưa ra khỏi miệng lại bị nuốt vào trong, như một nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư?

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Example of fine writing (1) - Martin Amis

Gặp đoạn sau trong House of Meetings của Martin Amis, chép lại, như là một ví dụ về fine writing:

"My brother Lev came to Norlag in February 1948 (I was already there), at the height of the war between the brutes and the bitches. He came at night. I recognized him instantly, in a crowd and at a distance, because a sibling, Venus, far more tellingly than a child, displaces a fixed amount of air. A child grows, while its parent remains static in space. With brothers it is always the same difference."

Quan sát sắc sảo, viết gọn, tinh vi. Khó dịch sang tiếng Việt cho hay.


Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Trở về thung lũng tối

Đọc tiểu thuyết giống như du hành: nếu đi đến phương xa, ngắm một cảnh đẹp, thưởng thức một món ăn ngon, có cảm giác thích thú thế nào, thì khi người đọc tiểu thuyết tìm được một cuốn sách lạ và hay từ một nền văn học xa xôi cũng sảng khoái như vậy.

Colombia không quá xa lạ với người đọc Việt Nam. Tình yêu thời thổ tảTrăm năm cô đơn cùng nhiều cuốn khác của Garbiel Garcia Marquez là món quen của người đọc văn học Việt. Thậm chí tôi nghe đồn tác giả Chết trong ngày Chúa nhật đọc Trăm năm cô đơn không dưới mười lần. Hay tôi nhầm, là nhân vật của anh ta chăng, trong Chung một cuộc tình? Dù sao đi nữa, thì Nguyễn Nguyên Phước là số rất ít nhà văn mà tôi luôn mong chờ tác phẩm. Thật đáng hổ thẹn cho nền phê bình Việt Nam khi chưa lấy có một bài viết tử tế về Một chuyến đi Nhà máy sản xuất linh hồn. Và cũng thật hổ thẹn cho nền xuất bản Việt Nam, vì bất cứ lý do gì, không in được Chết trong ngày Chúa nhật. Nhưng ngoài G.G. Marquez ra thì ta biết gì về Colombia? Vaderrama tóc bồng bềnh hay Escobar phản lưới nhà trả giá bằng sinh mạng? Cả hai, tiếc thay không viết tiểu thuyết.
Một ngày đẹp trời nọ (dạo này trời thường đẹp, có lẽ vì ít người ra đường, ít xe cộ đua nhau nhả khói khiến trời cứ xanh ngăn ngắt), hoặc cũng có thể không đẹp lắm, quan trọng gì đâu khi đã cắm đầu vào màn hình, sau khi hì hục tìm mãi không ra password Amazon của mình, reset kiểu gì cũng không được, tôi đành đăng ký tài khoản mới để kết nối với cái Kindle mới được tặng (đa tạ). Trời xui đất khiến thế nào mà đập vào mắt là một cuốn e-book giá chỉ 2.99 đô, "Return to the Dark Valley" của Santiago Gamboa. Nhìn lướt qua phần giới thiệu, thấy bảo Gamboa chịu ảnh hưởng Roberto Bolano. Không đắn đo, tôi nhấp chuột, tải về Kindle và đọc luôn.
Santiago Gamboa, sinh năm 1965, học văn chương tại Bogota, triết ở Tây Ban Nha và văn chương Cuba ở Sorbonne, đã viết đâu đó chừng chục cuốn, và Trở về thung lũng tối là cuốn mới nhất của chàng, cũng là cuốn đầu tiên tôi đọc. Theo một cách nào đó, những chủ đề của Trở về thung lũng tối gần gũi với những cuốn nặng ký nhất của Bolano, 2666 và The Savage Detectives: bạo lực, tình dục, thi ca, và vì chàng là người Colombia, nên truyện của chàng còn có rất nhiều ma túy.
Có nhiều hơn một người kể chuyện (narrator) trong cuốn này: một cô gái bị cha dượng hiếp, tìm cách ra khỏi nhà để vào học ở một trường nữ tu, sa lầy ở đó, rồi sau lại trở thành một thi sĩ; một nhà văn vì một tin nhắn bí hiểm mà bay từ Rome sang Madrid để rồi chứng kiến một vụ khủng bố rồi sa vào một cuộc đánh nhau ngoài đường; một gã tân Nazi tự xưng là con trai Giáo hoàng ấp ủ ước mơ thành lập một nền cộng hòa thanh sạch; một giáo sĩ có quá khứ bạo lực. Và xen vào chuyện của các nhân vật trên là câu chuyện về cuộc đời của nhà thơ thấu thị Arthur Rimbaud. Các nhân vật trên, thoạt đầu như chẳng dính dáng gì tới nhau, về sau dần giao thoa, hội tụ, đương đầu với quá khứ, rồi nhiều người trong số họ cùng nhau trở về Harrar, nơi Rimbaud từng sống vài năm cuối đời.
Cấu trúc truyện phức tạp nhưng mạch lạc, gọn ghẽ. Cách kể chuyện cuốn hút. Văn viết chừng mực, tuy có khá nhiều xen bạo lực, tình dục, nhưng tuyệt nhiên không có những miêu tả gớm ghiếc kiểu Đất mồ côi của Tạ nhà văn. Lẫn vào trong đó là những suy ngẫm về thi ca, về những khủng hoảng của xã hội hiện đại, về nguồn gốc của tội ác. Trên hết, ta nhìn thấy mong muốn quên đi, dàn hòa với quá khứ, tha thứ và mong muốn trở về một nơi chốn thanh thản cho tâm hồn.
Còn quá sớm để gọi Trở về thung lũng tối là kiệt tác (dạo gần đây từ này bị lạm dụng). Nhưng chắc chắn, đọc cuốn sách này, tôi khoái.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Tiểu sử một nền cộng hòa

Nền Cộng hòa của bọn tôi có 4 thành viên.

Tôi, cao niên nhất được bầu làm tổng thống mà không phải trải qua bất cứ một vụ kiện tụng nào, cũng không cần dùng mạng xã hội để tuyên truyền. Ghế tổng thống của tôi có lẽ là vĩnh viễn cho đến khi nào có đảo chính. Cho đến giờ, các cuộc đảo chính chỉ xảy ra bằng miệng, nên ắt là tôi còn làm tổng thống dài dài.
Đức, làm thủ tướng. Thoạt đầu thì anh được gọi là lãnh đạo, bởi anh có phong cách điệu đà và hay đi trễ như lãnh đạo. Sau, để tránh nhầm lẫn, anh được thống nhất đề bạt lên vị trí thủ tướng.
Kỳ, là bộ trưởng. Khi anh có ý kiến về giao thông thì anh là bộ trưởng giao thông, có ý kiến về giáo dục thì là bộ trưởng giáo dục, có ý kiến về kế hoạch hóa gia đình thì là bộ trưởng kế hoạch hóa gia đình; rất khó trói anh vào khuôn khổ một bộ nào, thế nên đương nhiên anh là bộ trưởng siêu bộ và liên bộ.
Phó thường dân duy nhất của nền Cộng hòa là Khánh. Chức danh của anh là thư ký. Có thể hiểu là thư ký tổng thổng, thư ký văn phòng chính phủ hay thư ký nền cộng hòa đều được. Anh thường được giao trách nhiệm thống kê và phân bổ chi phí của nền cộng hòa mỗi khi nội các vi hành. Tuy có bằng thạc sĩ toán nhưng anh thường xuyên tính thiếu, tính sai chi phí, chẳng hạn có lúc chúng tôi ăn phở và uống cà phê, nhưng anh chỉ thống kê chi phí cà phê, mà quên tính tiền phở. Việc này khiến các thành viên nền cộng hòa phẫn nộ, khiển trách anh, nhưng không sa thải anh được, vì không có anh thì cộng hòa không có dân. Anh là trụ cột quan trọng nhất của nền cộng hòa.
Kỳ với Đức chơi với nhau từ thời mồ ma internet. Kỳ lang thang trên mạng, sau ra Bắc, gặp Đức, rồi chơi thân nhau. Cặp đôi này cãi vã, chia tay nhau nhiều lần, nhưng sau tất cả vẫn trở lại với nhau, cho dù giờ kẻ Bắc người Nam thì vẫn chửi nhau không ngớt. Cách đây hơn chục năm, thời nhà nhà đều viết blog thì chúng tôi còm men qua lại rồi bắt đầu mỗi lần Kỳ hay Đức vào Sài Gòn lại uống rượu với tôi, còn mỗi khi ra Hà Nội thì tôi ngồi với bộ đôi Kỳ - Đức. Một lần như thế, tôi rủ cả Khánh tới. Nhưng nền cộng hòa chỉ thực sự hình thành sau chuyến đi Hà Giang.
Chuyến đi Hà Giang năm 2017 là đỉnh cao của nền cộng hòa chúng tôi. Có thể hình dung chuyến đi như thế này: trên một chiếc ô tô cũ Đức mượn đâu đó, bốn thành viên của nền cộng hòa tương lai sẽ chém gió phần phật không ngớt qua tất cả các chủ đề bóng đá, thơ văn, âm nhạc, điện ảnh, chửi bọn người Kinh, ca ngợi cảnh đẹp, bàn về tình yêu, lấn sang chính trị, rồi lại trở về, thơ văn, nhạc nhẽo, chửi bọn người Kinh liên tù tì như thế trong bốn ngày. Thậm chí tôi ngờ rằng chúng tôi chính là nguyên mẫu cho bộ tứ Tùng Lâm Vũ Hưng trong tiểu thuyết số một Việt Nam thế kỷ 21 Chết trong ngày Chúa Nhật của Nguyễn Nguyên Phước.
Liền ba năm sau đó, nền cộng hòa của chúng tôi đều có những chuyến đi một năm một lần, khoảng bốn năm ngày, khi thì đồng bằng Mekong, khi thì Tây Nguyên, khi thì trở lại nơi lập quốc Hà Giang. Chúng tôi thậm chí còn đặt thủ đô tại một thung lũng tuyệt đẹp gần Du Già. Tất nhiên, sổ đỏ thì chúng tôi chưa có, dân Palestine có bao giờ có sổ đỏ quái đâu.
Buổi đêm của các chuyến đi đó tất nhiên là rượu, bia, đàn hát và đọc thơ. Đức và Khánh là hai cây guitar, Kỳ hát, tôi thỉnh thoảng cũng đệm theo, nhưng thường xuyên lạc nhịp nên về cơ bản bị cấm hát. Khánh đàn hay bị Đức sửa, nhưng khi Khánh vừa đàn vừa hát Lời thiên thu gọi thì rất cute, chúng tôi hay bảo đàn hát thế này thế nào các chị cũng đổ, không biết chị nào đổ chưa, nhưng sau bao vất vả thì giờ Khánh đã có được một cô bạn gái rất xinh, nghe đâu còn sắp lấy cả nhau. Hy vọng cuộc hôn nhân này không đe dọa đến an ninh chính trị của nền cộng hòa.
Thỉnh thoảng, tôi ngồi nghe lại clip nền cộng hòa đàn hát. Trong không gian miền núi, giữa trời khuya lành lạnh và không có bất cứ tạp âm nào, trừ tiếng côn trùng ri rỉ, chỉ có tiếng guitar bập bùng và tiếng hát. Chúng tôi hát những bài chúng tôi tự sáng tác hoặc viết lời. Nói đúng, chỉ mình Đức có thể viết nhạc. Những bài hát tự chế của Đức, của chúng tôi, có thể chưa hoàn chỉnh về kỹ thuật, nhưng có tất cả tình cảm trong đó. Mỗi lần nghe lại, tôi lại muốn ngồi uống vang với chúng nó.
Tất cả đoạn lằng nhằng trên đây chỉ là intro cho clip Quán cà phê ngoại ô đính kèm, Đức phổ thơ Lưu Quang Vũ. Clip thu ở Mèo Vạc.



Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Gà đang gáy trưa bên sông

 Lần cuối cùng nghe gà đang gáy trưa bên sông là khi nào, tôi không còn nhớ lắm. Nhưng chỉ cần khép hờ mắt lại, tôi sẽ tưởng tượng ra. Phải là một miền quê nào đó yên ắng lắm. Nắng trưa lấp loáng mặt sông. Nóng. Cơ hồ không có ai ngoài đồng, hay trên đường. Mọi hoạt động tạm thời dừng lại. Cả cây cối cũng cơ hồ thiu thiu ngủ. Giữa khung cảnh gần như tuyệt đối yên tĩnh đó, chợt vang lên tiếng một chú gà giở quẻ, làm náo động một thoáng không gian trưa.

***

Cách đây vài tuần, hai chị em tôi đánh xe đưa ba má về quê sau mấy tuần an dưỡng ở Sài Gòn. Những chuyến đi khác, nếu đi cùng sắp nhỏ và sắp to, tôi thường mở những thể loại nhạc sôi động hơn, phù hợp với tuổi hoa niên thời đại phôn khôn, như Imagine Dragons, hoặc Sơn Tùng MTP. Nhưng lần này, để chiều chuộng cái tai của người U90, tôi mở Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Chính trong chuyến đi này chúng tôi nghe lại Mùa xuân đầu tiên.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn

Bài hát ra đời năm 1976, sau khi kết thúc chiến tranh. Phải không còn tiếng súng, tiếng bom, thì mới có những buổi trưa làng quê yên ắng đến nỗi ta có thể nghe được tiếng “gà đang gáy trưa bên sông.”

Giữa bao tưng bừng của những ca khúc ca ngợi thống nhất thì ít mà chiến thắng thì nhiều, Mùa xuân đầu tiên dìu dặt một mình một cõi. Âm nhạc vẫn có nét vui, nhưng không vui theo kiểu hồ hởi, phấn khởi, mà là cái vui lẫn trong cái ngùi ngùi. Nhạc sĩ vẫn gọi mùa xuân ấy là “mùa vui”, nhưng đồng thời cũng gọi ấy là “mùa bình thường”.  Phải rất lớn, thì mới có thể nhìn nhận mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh là điều bình thường, và phải là, nên là “mùa bình thường”, chứ không phải mùa của tự hào hay mùa của quang vinh. Và điều cần làm, nên làm khi ấy là “từ nay người biết yêu người…”. Giai điệu ấy, lời nhạc ấy, tuy đằm thắm, sâu xa, nhưng lạc quẻ, khiến bài hát bị cất đi một thời gian khá lâu.

***

Bây giờ, không cần phải đợi xuân về ta mới nghe hay hát Mùa xuân đầu tiên. Bất cứ lúc nào muốn ta cũng có thể ngâm nga:

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Điều đáng buồn là, bây giờ tuy không còn bom rơi, đạn nổ, nhưng tiếng gà gáy trưa đã trở nên quá xa xỉ. Thường, buổi trưa, ta chỉ có thể nghe tiếng đục đẽo, tiếng xe rồ máy, hay tiếng karaoke.

 

 

Một năm chạy bộ

Một năm chạy bộ Người ta nói nhiều, rất nhiều về những điều tuyệt vời của chạy bộ. Người ta lại hiếm khi nói chạy bộ có thể tệ hại như thế n...